Diễn biến dịch TPHCM 17/8: Tỷ lệ F0 trong cộng đồng gia tăng
(Dân trí) - Theo thống kê của TPHCM, trong ngày 16/8, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng chiếm 53%, số ca được phát hiện trong khu phong tỏa chiếm 41%.
Tỷ lệ F0 trong cộng đồng tăng mạnh ở 3 địa phương
Tính đến ngày 17/8, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 được ghi nhận tại TPHCM đang có xu hướng giảm dần so với hồi cuối tháng 7. Tuy nhiên, một diễn biến dịch tễ đáng quan ngại về dịch bệnh đã xuất hiện, khi tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu gia tăng.
Thực trạng trên được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, lưu ý các địa phương tại buổi làm việc chiều 16/8. Trong ngày 16/8, thành phố có số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng chiếm 53%, số ca được phát hiện trong khu phong tỏa chỉ là 41%.
Thời gian trước đây, số bệnh nhân được phát hiện trong khu phong tỏa, khu cách ly trên địa bàn chiếm tới 80%.
Theo số liệu từ Bản đồ Covid-19 TPHCM của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, 3 quận, huyện có số ca mắc Covid-19 cao nhất địa bàn (Quận 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh) đều xuất hiện tình trạng tỷ lệ F0 phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại bệnh viện tăng cao những ngày gần đây. Trong đó, Quận 8 là nơi dấu hiệu này xuất hiện sớm nhất. Xem thêm tại đây.
Muốn tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 12-18 tuổi
TPHCM phấn đấu đến ngày 15/9 đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi một và 15% người dân được tiêm mũi 2.
Cụ thể, giai đoạn từ ngày 15/8 đến 31/8, TPHCM phấn đấu tiêm hơn 3 triệu liều để đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi một (trên 10 triệu dân), hoàn thành mũi 2 cho khoảng một triệu người.
Để hoàn thành mục tiêu trên, TPHCM tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng: người trên 65 tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai; công nhân các doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; người yếu thế và các đối tượng theo quy định; đa dạng, linh hoạt các hình thức tiêm vắc xin.
Đồng thời, thành phố cũng ưu tiên tiêm mũi 2 cho công nhân trong các đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo hộ y tế, vệ sinh môi trường; xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin đối với từng khu vực, vùng nguy cơ. Đáng chú ý, thành phố cũng lên kế hoạch có thể mở rộng tiêm cho người từ 12-18 tuổi nếu có nguồn vắc xin cho phép tiêm trong độ tuổi này. Xem thêm tại đây.
Cần làm gì trong đợt giãn cách xã hội tiếp theo?
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng với hơn 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, dù đã giảm nhưng vẫn còn nhiều thì việc TP tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là cần thiết.
"Nhiều quốc gia phương Tây thậm chí chấp nhận phong tỏa 6 tháng đến một năm. Nói điều này để thấy rằng TP cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để sớm khống chế được dịch bệnh. Giãn cách ở đây là "nhà nào ở nhà đấy", người dân không cần thiết thì không ra khỏi nhà. Người dân vẫn đi ầm ầm ngoài đường thì không thể chống dịch được, vẫn còn lây trong khu phong tỏa thì dịch sẽ còn kéo dài", TS Phu chia sẻ.
Chuyên gia cũng một lần nữa nhấn mạnh dịch đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nếu TPHCM cũng như nhiều địa phương khác làm không tốt, không triệt để việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để dịch tiếp tục bùng lên thì cuộc chiến sẽ còn kéo dài và gian nan hơn rất nhiều.
"Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu việc khống chế dịch tại TPHCM và các tỉnh lân cận đòi hỏi phải có thời gian, không thể ngày một ngày hai vì dịch đã lan ra quá rộng", TS Phu nhận định. Xem thêm tại đây.
Thế Anh