Dịch tiêu chảy cấp: Nhờ WHO xác định nguyên nhân

(Dân trí) - Hai chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phối hợp cùng Bộ Y tế để tìm đường lây truyền của phẩy khuẩn tả gây bệnh ở một số tỉnh phía Bắc nước ta.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đưa ra tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tiêu chảy cấp chiều 23/11.

 

Ông Huấn nhận định, chắc chắn nguồn lây phẩy khuẩn tả là từ thực phẩm, vì đa số bệnh được được phát hiện cùng một thời điểm, cùng một nguồn thực phẩm giống nhau ở nhiều địa phương khác nhau. Nhưng phẩy khuẩn tả từ đâu nhiễm vào thực phẩm là việc các chuyên gia sẽ phải tìm hiểu. Nếu tìm được đường lây truyền của vi khuẩn này, nếu dịch quay trở lại ngành y tế sẽ có các biện pháp dập, khống chế dịch hiệu quả hơn.

 

Nhiều địa phương không xuất hiện bệnh nhân mới

 

Theo báo cáo, tính từ ngày 21/11 đến nay, cả nước có 6 bệnh nhân mắc mới nhưng không có trường hợp nào dương tính với phẩy khuẩn tả. Như vậy tính tổng tích lũy số ca dương tính với phẩy khuẩn tả từ trước đến nay vẫn dừng ở con số 261 trường hợp. Nhiều tỉnh không có bệnh nhân mắc mới, như Phú Thọ (16 ngày), Vĩnh Phúc (17 ngày), Nam Định (15 ngày)… Còn tại Quảng Ninh có 5 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhưng nhưng chưa xác định được nguyên nhân.

 

TS Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị cũng thông báo: Theo báo cáo của Bệnh viện Cẩm Phả, Quảng Ninh đã ghi nhận 1 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm mà qua soi tươi mẫu bệnh phẩm và nuôi cấy vi khuẩn có kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả.

“Có thể nói dịch đã khống chế được trong nhiều ngày. 1 tuần nay ở tất cả các tỉnh đều không có bệnh nhân nhiễm phẩy khuẩn tả mới. Như vậy có thể nói bước đầu chúng ta đã khống chế được dịch. Nếu trong 15 ngày tới mà không có bệnh nhân mới, các yếu tố môi trường không dương tính với phẩy khuẩn tả chúng ta sẽ công bố hết dịch”, thứ trưởng Huấn vui mừng nói.

 

Tuy nhiên, ông Huấn cũng cảnh báo không vì thế mà các ngành, các cấp chủ quan mà phải tăng cường phòng chống dịch triệt để hơn, vì khả năng tồn tại của phẩy khuẩn tả trong môi trường là rất lâu. Hơn nữa, chính thói quen, tập quán của nhiều người dân sẽ là môi trường lý tưởng để dịch bệnh quay trở lại.

 

“Phân bắc” tưới rau - Hiểm họa tăng dịch tả

 

Đây là vấn đề mà rất nhiều thành viên trong ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả lo lắng. Ông Huấn cho biết ở nhiều huyện của Hà Tây và một số tỉnh khác, người dân vẫn có tập quán dùng phân tươi (cách gọi dân gian là phân bắc) pha loãng với nước để tưới rau. Đây là một hiểm hoạ lớn gây bệnh nếu nguồn phân của gia đình có người bị tiêu chảy do phẩy khuẩn tả không được xử lý tốt.

 

“Đáng nói là Hà Tây là một vùng rau lớn, cung cấp chủ yếu cho Hà Nội. Chưa kể các loại thực phẩm khác như bún, thịt chó… cũng có nguồn từ Hà Tây là rất lớn”, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ lo lắng.

 

“Dù chúng ta đã khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, nhưng trên thực tế, người dân sử dụng loại rau thơm này vẫn rất phổ biến. Qua điều tra dịch tễ cho thấy rất nhiều bệnh nhân tiêu chảy do phẩy khuẩn tả có ăn các loại rau thơm”, ông Huấn cảnh báo.

 

Đại diện của Sở Y tế Hà Tây cũng thừa nhận người dân vùng này thường có tập quán sử dụng phân tươi tưới rau. Mới đây, Sở Y tế Hà Tây đã phải tiến hành xử lý tất cả thùng phân tưới rau cho 150 hộ có người tham dự bữa cỗ ăn hỏi của một gia đình ở thôn Giáp Ngọ (Chúc Sơn, Chương Mỹ) do sau bữa cỗ đã có người bị tiêu chảy do phẩy khuẩn tả. Đồng thời cũng xử lý 135 hố xí (kể cả hố xí thùng) bằng cloraminB. “Tuy nhiên tập quán thì khó thay đổi, nên chỉ hạn chế được phần nào. Vì vậy chúng tôi chỉ có cách tuyên truyền người dân không nên ăn rau sống mà nên rửa sạch, nấu chín”, đại diện Sở Y tế Hà Tây cho biết.

 

Ngoài ra, vị này cũng lo lắng vì Hà Tây là nơi có tập quán sử dụng thịt chó làm thực phẩm chính cho các bữa cỗ. Do đó mắm tôm - một thực phẩm có nguy cơ nhiễm phẩy khuẩn tả - vẫn được sử dụng rất phổ biến ở khu vực này.

 

Như vậy, với thói quen tập quán của người dân hiện khiến nguy cơ nhiễm mầm bệnh sẽ rất cao đối với những người ăn rau sống được trồng ở khu vực này.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng chúng ta cần sớm ra quy định mạnh cấm sử dụng phân tươi để tưới rau. Đồng thời phải quy trách nhiệm cho chủ tịch xã, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để địa phương mình vẫn xảy ra tình trạng đó khiến dịch tiêu chảy cấp có thể quay trở lại. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục xử lý triệt để môi trường, nguồn nước, nguồn chất thải ở những ổ dịch có bệnh nhân dương tính với vi khuẩn tả.

 

Hồng Hải