1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nắng nóng đổ mồ hôi, vì sao càng uống nước lọc càng thấy khát?

Hồng Hải

(Dân trí) - Nhiều người khi di chuyển, vận động, làm việc trong mùa hè nắng nóng mồ hôi vã ra như tắm, càng uống nước lọc càng thấy khát. Nên xử lý tình trạng này như thế nào?

Theo BS tim mạch Ngô Tiến Thái, thời tiết nắng nóng, những người phải di chuyển, làm việc, vận động (như chạy bộ) lâu ngoài trời thường phải đối mặt với nguy cơ sốc nhiệt, rối loạn điện giải.

Khi mất muối, điện giải qua mồ hôi trong thời tiết nóng, nhiều người có xu hướng thích uống nước lọc hơn là uống điện giải. Nhưng khi đã mất muối, điện giải qua mồ hôi mà uống nước lọc thì càng pha loãng điện giải trong cơ thể, từ đó cơ thể gửi tín hiệu lên não cơ thể đang mất nước, khiến mọi người càng thấy khát hơn, phải uống nước liên tục.

Nắng nóng đổ mồ hôi, vì sao càng uống nước lọc càng thấy khát? - 1

Khi cơ thể ra quá nhiều mồ hôi kéo theo mất nước, điện giải, càng uống nước lọc bạn sẽ càng thấy khát (Ảnh minh họa: Getty).

Tình trạng này gây ra vòng xoắn, rối loạn điện giải gây biến cố nặng nề như rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu, ngã quỵ do sốc nhiệt, nắng nóng.

Nhất là với những người có cường độ vận động cao như vận động viên tham gia giải chạy, leo núi...

Vì thế, trong tiết trời nắng nóng, đi làm việc, hoặc tập luyện thể dục thể thao, chỉ uống nước lọc thôi không đủ, bạn nên pha oresol theo tỉ lệ uống để bù lượng muối, đường, điện giải thoát qua mồ hôi để phòng say nắng.

Say nắng xảy ra khi hoạt động kéo dài trong môi trường có nhiệt độ cao, nhất là khi sự thải nhiệt của cơ thể bị cản trở (mặc quần áo không thấm nước, môi trường có độ ẩm quá cao), hay do đi quá lâu ngoài đường, dưới nắng khiến cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể.

Nhất là ở thành phố, vùng ít cây xanh nắng nóng càng cao hơn. Đi nhiều, lâu giữa cái nắng 39 - 40 độ C mà không đội mũ nón, lại kèm theo hơi nắng từ mặt đường nhựa hất lên có nguy cơ rất lớn bị say nắng. 

Để phòng say nắng, sốc nhiệt khi ở ngoài trời trong những giờ nắng nóng cao điểm cần trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng như đội mũ rộng vành, áo chống nắng, dùng khăn ẩm che phủ kín vùng đỉnh đầu, sau gáy và luôn nhớ uống nước liên tục (tốt nhất là nước oresol, nước pha một chút chanh muối...

Cứ sau khoảng 1 giờ làm việc cần vào vùng có bóng mát nghỉ ngơi 10-15 phút, uống nước. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng

Thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất, nên hạn chế làm việc ngoài trời.

Bên cạnh đó, để giảm hạn chế của nắng nóng với sức khỏe, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa.

Đặc biệt lưu ý khi vừa từ ngoài vùng nắng nóng vào không nên tắm ngay bằng nước lạnh, nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong cũng không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp.

Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột, đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân, nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước.

Nên chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng... Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm