Dịch tay chân miệng gia tăng ở miền Trung

(Dân trí) - Trong khi dịch tay chân miệng đang bùng phát ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) thì tại Kon Tum, số bệnh nhân đã tăng nhanh trong 4 tuần qua.

Khánh Sơn bệnh tay chân miệng gia tăng.

Khánh Sơn bệnh tay chân miệng gia tăng.
 
Ngày 26/9 Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho hay, tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng trong 4 tuần liên tiếp gần đây, nâng tổng số mắc luỹ tích bệnh tay chân miệng trong toàn tỉnh từ đầu năm 2012 đến nay là 532 trường hợp, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi 509 trường hợp, trẻ em từ 5 tuổi trở lên 23 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Hiện có 70/97 xã, phường, thị trấn có phát hiện trường hợp bệnh, chiếm 72,2% tổng số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

 

Địa phương có ghi nhận số mắc mới nhiều và liên tục trong 4 tuần gần đây là TP.Kon Tum, huyện Đăk Hà...

 

Để triển khai phòng, chống bệnh, ngành y tế Kon Tum đã tổ chức các biện pháp xử lý môi trường tại các hộ gia đình có trẻ mắc bệnh, các trường mẫu giáo; phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông trực tiếp tại các hộ gia đình về phòng chống bệnh tay chân miệng; truyền thông trên loa truyền thanh; tổ chức lễ phát động “Chiến dịch rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh tay chân miệng” tại các xã, phường trên địa bàn...

 

Còn theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), đến ngày 25/9 số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn huyện đã tăng lên 81 trường hợp, chủ yếu là ở mức độ 1, chưa có bệnh nhân tử vong. Những trường hợp trẻ mắc bệnh đã xuất hiện hầu hết tại 7/8 xã, thị trấn (trừ xã Ba Cụm Nam) của huyện.

 

Tình hình bệnh tay chân miệng tại Khánh Sơn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong những ngày cuối tháng 9. Khu vực xuất hiện nhiều bệnh nhân trong mấy ngày gần đây là thị trấn Tô Hạp (có ngày lên đến 4 ca), tại một số trường mầm non cũng đã có trẻ bị nhiễm bệnh.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, các trường đã cho lớp có học sinh mắc bệnh nghỉ học và thực hiện các biện pháp vệ sinh xử lý dịch. Ngành y tế tăng cường công tác giám sát, xử lý dịch bệnh tại các khu dân cư và trường học; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc men để điều trị bệnh nhân trong tình huống dịch bùng phát trên diện rộng. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền giáo dục người nâng cao ý thức phòng bệnh, tránh tình trạng phó mặc cho ngành y tế.

 

Đại Hòa - Trịnh Anh