1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch tay chân miệng có bất thường?

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 5 tháng (từ đầu năm đến nay) cả nước đã ghi nhận 6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó có 17 trẻ tử vong. Dịch tay chân miệng năm nay có bất thường? Vi rút đã biến đổi độc lực nguy hiểm hơn?

Dịch tay chân miệng có bất thường? - 1

Bóng nước nổi trong miệng trẻ
 
Theo TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch tay - chân - miệng không chỉ xảy ra ở nguyên nước ta mà tại nhiều nước trong khu vực như Đài Loan, Campuchia… dịch cũng xuất hiện. Tại Việt Nam, theo báo cáo của TTYT DP các tỉnh, thành phố 5 tháng đầu năm cả nước ghi nhận hơn 6 nghìn trường hợp, 17 tử vong.

“Qua số liệu thống kê và phân tích về dịch tễ học thì bệnh tay-chân - miệng là bệnh lây nhiễm theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, gia tăng mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 6. Như vậy, ở thời điểm này là có số mắc cao ở các tỉnh thì cũng không phải là đặc biệt, mà dịch năm nay vẫn theo quy luật thông thường. So sánh với năm 2010, con số mắc, tử vong không phải là bất thường, chỉ có tại TP Hồ Chí Minh là tăng cục bộ”, TS Dương nói.

Trước kết quả xét nghiệm các mẫu cho thấy có 2 mẫu cho kết quả xuất hiện chủng vi rút mới (trong đó có chủng vi-rút EV71 phân nhóm B2 có độc lực cao), TS Dương cho biết, tuýp vi-rút B2 theo Tổ chức Y tế thế giới, nó gây bệnh ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, do những năm trước chưa có điều kiện xét nghiệm nên không khẳng định được đã từng tồn tại hay chưa. Nhưng tại các nước Đông Nam Á, tuýp vi rút này vẫn lưu hành.

Theo TS Dương, trẻ mắc bệnh do nhiều yếu tố về vệ sinh môi trường, đặc biệt hay gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo. Một hạn chế nữa, chính là sự hiểu biết của phụ huynh về căn bệnh này còn hạn chế nên làm bệnh lây lan nhanh. Để giảm thiểu nguy cơ mắc, tử vong, ngay từ tháng hai, Bộ đã chỉ đạo TTYT DP các huyện, tỉnh, TP…tăng cường giám sát phát hiện, giảm nguy cơ lây nhiễm. Riêng TP Hồ Chí Minh, hiện vẫn đang triển khai mọi biết pháp để giảm thiểu nguy cơ mắc, tử vong. Tuy nhiên, cái phức tạp của bệnh do nhiều yếu tố, đặc biệt là đường lây phong phú, tác nhân gây bệnh khác nhau... nên việc phát hiện trẻ bệnh và cách ly ngay chưa đc làm tốt ở cộng đồng. Ngay cả việc thực hiện khử khuẩn tại nhiều địa phương có làm nhưng chưa triệt để chính vì thế các trường hợp mắc lại tiếp tục lây lan, đặc biệt trong các nhà trẻ.

“Tiếp xúc qua chơi chung đồ chơi, lăn lê ở sàn nhà thì chỉ có một cháu bị bệnh, các phỏng nước có thể lây qua đồ dùng chung và lây nhiễm cho các bé khác. Nhất là hiện nay, miễn dịch về căn bệnh này trong quần thể dân cư còn rất thấp nên càng dễ lây lan. Khi nhiễm bệnh, lại không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thuốc ức chế sự nhân lên của vi rút…chính vì thế làm cho sự lây lan trong quần thể lớn”, TS Dương nói.

Vì thế, với các bậc phụ huynh để phòng bệnh cho con, quan sát nếu thấy con sốt kèm theo xuất hiện nốt phỏng thì tốt nhất cho con nghỉ học, không cho đến trường. Vừa chăm sóc bé vừa phải thực hiện vệ sinh hàng ngày, như các dụng cụ, đồ chơi cần rửa bằng xà phòng rồi phơi khô dưới ánh sáng mặt trời, mở cửa sổ cho thoáng khí. Có thể dùng hóa chất khử khuẩn là cloraminB bột 2-5% để lau rửa đồ chơi, sàn nhà…

Tú Anh