Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục "tấn công" Đắk Lắk và Cà Mau
(Dân trí) - Sau khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lợn của một hộ gia đình trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xác định nhiễm vi rút dịch tả lợn Châu Phi, cơ quan chức năng ngay lập tức tiến hành công tác dập dịch, tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh. Cùng ngày, Cà Mau cũng xác nhận xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Chiều 30/5, ông Thủy Lệ Vũ - Phó Chi cục trưởng,Chi cục chăn nuôi và thú y Đắk Lắk, cho biết trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại đàn lợn của gia đình Lê Văn Bán (thôn 11, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).
Theo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, vào ngày 28/5, đàn lợn của gia đình ông Lê Văn Bán có dấu hiệu bỏ ăn, nôn ói nên gia đình ông đã thông báo lên cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Chi cục chăn nuôi thú y Đắk Lắk đã cử cán bộ xuống gia đình lấy mẫu bệnh phẩm lợn gửi Cục thú y vùng V và VI kiểm nghiệm.
Đến chiều ngày 30/5, Chi cục thú y vùng V và VI có kết luận các mẫu bệnh phẩm lợn của gia đình ông Bán dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi.
Ngay sau khi nhận được thông tin xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, đoàn công tác của Chi cục chăn nuôi thú y Đắk Lắk cùng ông Đoàn Ngọc Thượng - Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột đã xuống địa phương chỉ đạo công tác dập dịch.
Tại đây, cơ quan chức năng đã tiêu hủy đàn lợn 33 con (trong đó có 4 con đã chết vì bệnh) với tổng trọng lượng 2.640 kg của gia đình ông Bán. Đồng thời, để ngăn ngừa dịch tả lợn lan rộng toàn địa phương Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk đã cung cấp cho xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột) 36 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để thực hiện các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, môi trường ngay tại địa bàn thôn 11.
Ngoài ra, Chi cục chăn nuôi và thú y còn cử các cán bộ tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn xã Hòa Phú; khoanh vùng, ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lan trên diện rộng.
Đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk là tỉnh thứ 3 ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi sau tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.
Tại Cà Mau, chiều ngày 30/5, Cục Thú y vùng 7 đã có thông báo kết quả mẫu lợn (heo) của hộ ông Nguyễn Hoàng Trung (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) và hộ ông Triệu Quang Phúc (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) dương tính với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Như vậy, Cà Mau là tỉnh thứ 8 trong khu vực ĐBSCL có dịch tả lợn châu Phi.
Nhiều tỉnh ĐBSCL đã có dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: STO)
Trước đó, ngày 27/5, đàn lợn nuôi 19 con của hộ ông Nguyễn Hoàng Trung (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) bị bệnh (4 lợn nái, 3 lợn thịt 3 tháng tuổi và 12 lợn con), với trọng lượng 819kg. Số lợn bệnh này có triệu chứng tiêu chảy, bỏ ăn,...
Đến ngày 29/5, số lợn mắc bệnh được tiêu hủy theo quy định. Đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu độc khử trùng trong vòng bán kính 3km.
Còn đàn lợn nuôi 6 con (4 lợn nái đang mang thai) của hộ ông Triệu Quang Phúc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có 3 con bị bệnh. Chủ nuôi có tiêm kháng sinh điều trị nhưng khi tiêm xong khoảng 10 giờ sau thì lợn chết.
Số còn lại được cơ quan chức năng địa phương và chủ nuôi tổ chức tiêu hủy vào ngày 30/5.
Một chốt kiểm soát tuyến đường thủy ở Cà Mau. (Ảnh: CTV)
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tỉnh này đã cho lập 32 chốt, trạm cả đường bộ lẫn đường thủy để kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn thịt, sản phẩm từ thịt lợn nhập tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cũng phối hợp với các nhà mạng thực hiện nhắn tin về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đến tất cả các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, trong tin nhắn cung cấp số điện thoại của ông Nguyễn Thành Huy (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Cà Mau: 0918494840) để người dân liên hệ khi cần thiết.
Thúy Diễm - Huỳnh Hải