Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Đắk Lắk, chưa có dấu hiệu giảm

Thúy Diễm

(Dân trí) - Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy trên 66 tấn lợn nhiễm bệnh và dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm.

Theo Chi cục chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu tháng 11/2020, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 90 hộ dân phân bố ở 66 thôn/buôn, 42 xã/phường trên địa bàn khắp tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là trên 1.400 con, tổng số khối lượng tiêu hủy trên 66 tấn.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Đắk Lắk, chưa có dấu hiệu giảm - 1
Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy hàng chục tấn lợn nhiễm bệnh

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2020, dịch bệnh đã phát sinh 40 hộ, buộc tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là 390 con với tổng số khối lượng tiêu hủy 23 tấn.

Ông Thủy Lệ Vũ – Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi Đắk Lắk, cho biết: Quy mô ổ dịch, đàn lợn bị bệnh xảy ra hầu hết ở chăn nuôi nông hộ, hơn 90% số xã có dịch có quy mô đàn lợn mắc bệnh nhỏ hơn 50 con.

Theo ông Vũ, nguyên nhân dịch đến việc dịch bùng phát do vi rút dịch tả lợn Châu Phi tồn tại trong môi trường tại các ổ dịch cũ, trong khi bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

“Dịch bệnh xảy ra rải rác ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, không bảo đảm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Nhiều hộ dân mua giống lợn về nuôi tái đàn không đảm bảo an toàn dịch bệnh, lợn mua không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, mang trùng, từ đó phát tán thành dịch bệnh” - ông Vũ cho hay.

Bên cạnh đó, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi Đắk Lắk còn nhận định, vào tháng 10 vừa qua do thời tiết bất lợi, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa nhiều nên độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới thành lập các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương đang có dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy lợn bệnh, lợn chết, vứt xác lợn chết ra môi trường.

Trước đó, trong năm 2019, tỉnh Đắk Lắk đã chi trên 87 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ cho người dân có lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy và chi cho công tác phòng, chống dịch. Với trên 45.000 con lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy trên 2.500 tấn lợn nhiễm bệnh.