Phú Yên:

Dịch sốt xuất huyết lan rộng, người dân lo lắng

(Dân trí) - Chỉ trong tuần qua, trên địa bản tỉnh Phú Yên đã phát hiện thêm 8 ổ dịch mới, tăng 50,9% so với tuần trước. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết.

Ngày 13/7, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trong tuần qua (tuần 27) toàn tỉnh có 125 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 50,9% so với tuần 26; xuất hiện 8 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại các địa phương: TP Tuy Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân, nâng số ổ dịch nhỏ từ đầu năm đến nay lên 60 (huyện Đồng Xuân đã có ổ dịch đầu tiên tại thôn Long An, thị trấn La Hai). Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.291 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 2 trường hợp tử vong.

Theo giám sát của Viện Pasteur Nha Trang, tỉnh Phú Yên có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân đứng thứ hai khu vực miền Trung, sau Khánh Hòa. Ngành Y tế Phú Yên đang tiếp tục tập trung cho công tác dự phòng và điều trị sốt xuất huyết.

Người lớn, trẻ nhỏ nhập viện tăng vì dịch sốt xuất huyết
Người lớn, trẻ nhỏ nhập viện tăng vì dịch sốt xuất huyết
Người lớn, trẻ nhỏ nhập viện tăng vì dịch sốt xuất huyết

Ghi nhận tại xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hoa), nơi xảy ra ca tử vong thứ 2 là trường hợp bệnh nhi 4 tuổi Lê Phan Quốc Nin, thôn Phú Hiệp 1 bị sốt xuất huyết nhưng đưa đến bệnh viện quá trễ khiến cháu không thể cứu chữa khiến người dân lo lắng.

Anh Phạm Bùi Duy Vũ lo lắng: “Từ lúc nghe có dịch sốt xuất huyết, tôi luôn để ý các vật dụng đựng nước lâu ngày trong nhà, tối ngủ mùng, nhưng vẫn cứ lo, vì vợ chồng tôi đi làm cả ngày, con gửi trẻ trong vùng dịch”.

Liên tục các ngày qua, nhân viên y tế và các đoàn thể ở xã (Mặt trận, phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân…) ở hai xã Hòa Xuân Tây và Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) tổ chức phát quang, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phun hóa chất diệt muỗi và tuyên truyền người dân diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết. Hai xã này vừa xuất hiện thêm 3 ổ dịch mới.  

Nhân viên y tế phun thuốc khủ trùng diệt loăng quăng phòng chống dịch sốt xuất huyết
Nhân viên y tế phun thuốc khủ trùng diệt loăng quăng phòng chống dịch sốt xuất huyết

Ông Nguyễn Hữu Khương, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung cho biết: “Từ khi biết tin cháu Nin tử vong do sốt xuất huyết người dân tỏ ra ý thức hơn trong việc thực hiện vệ sinh nơi ở, diệt bọ gậy tại hộ gia đình như: khai thông cống rãnh, thu gom các vật dụng chứa nước ngoài trời, nước sinh hoạt đựng lâu ngày. Về mặt địa phương, chúng tôi đang phối hợp với ngành y tế triển khai hội nghị, bàn các biện pháp và triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn”.

Tại các địa phương khác như huyện miền núi Sông Hinh, TP Tuy Hòa cũng là những địa phương có ổ dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

Theo Bác sĩ Nay Y Liêu, Phó Giám đốc bệnh viện huyện Sông Hinh, từ đầu năm đến nay bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết tăng đột biến, tăng gấp 3, 4 lần so với những năm trước, nhiều ca ở thể nặng phải chuyển lên tuyến trên. “Hiện bệnh viện đang rất khó khăn. Khoa điều trị chúng tôi có 34 gường bệnh, nhưng có thời điểm lưu dung điều trị lên đến gấp đôi bệnh nhân, phải nằm chung giường. Biên chế bác sĩ cho khoa này có hai người, làm không xuể phải tăng cường người từ Ban Giám đốc xuống làm công tác điều trị. Khó khăn thứ hai là về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế bệnh viện huyện thiếu nên nhiều bệnh nhân phải chuyển viện. Trong tháng 6, có 3 ca SXH thể nặng phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh”, bác sĩ Liễu chia sẻ.

Một trong những nguyên nhân chính làm dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp phức tạp chính là ý thức của người dân kém, trong việc chủ động vệ sinh nơi ở, diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, do chủ quan của người nhà bệnh nhân khi có biểu hiện bị bệnh không đưa đến bệnh viện. Hầu hết, người dân tự điều trị bằng các phương thuốc dân gian như uống lá, thuốc tiêu ban lộ, ngựa bay… thậm chí bệnh nhân chủ động đề nghị các cơ sở điều trị tư nhân truyền dịch.

Những điểm ô nhiễm này dễ phát sinh bọ gậy gây ra dịch sốt xuất huyết
Những điểm ô nhiễm này dễ phát sinh bọ gậy gây ra dịch sốt xuất huyết

Bác sĩ Chuyên khoa 1, Ung Trinh Chi, Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa cho biết: “Hầu hết bệnh nhân nhập viện khi tình trạng đã xấu đi. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng phù đa màng, phù phổi, dịch ổ bụng… do lạm dụng việc truyền dịch ở những cơ sở chữa bệnh không phép khiến công tác điều trị khó khăn, thời gian điều trị kéo dài.”

Số ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần đều tăng, gây lo ngại cho người dân, ngành Y tế và các địa phương. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là Đông Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa, Sông Hinh. Toàn tỉnh đã xử lý trên 50 ổ dịch sốt xuất bằng các biện pháp tổng vệ sinh, diệt bọ gậy, phun hóa chất.

                                                                                                            Sơn Công