Dịch sởi tại Nghệ An đã được khống chế
(Dân trí) - Sau nhiều ngày điều trị tích cực 48/48 cháu nhỏ bị mắc sởi tại bản Piêng Cọoc, xã Mai Sơn đã hồi phục và được trở về nhà. UBND huyện Tương Dương cho biết dịch sởi tại đây cơ bản đã được khống chế.
Ngày 17/10, ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết: "Sau hơn 1 tuần điều trị quyết liệt, đến thời điểm này đã có 48/48 cháu bị sởi ở bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn đã được trở về nhà. Bên cạnh đó trạm dã chiến điều trị cho các cháu đã được lệnh tháo dỡ và vệ sinh sạch sẽ. Ổ dịch sởi tại đây cơ bản đã được khống chế".
Được biết, sau 4 ngày lấy 5 phòng của Trường tiểu học ở bản Piêng Coọc làm bệnh viện dã chiến, cách ly với những người bên ngoài điều trị dịch sởi cho 48 em học sinh bị nhiễm bệnh thì hiện sức khỏe của các cháu đã tốt lên và được cho về nhà.
Trước đó những ngày đầu tháng 10/2014, dịch sởi bùng phát ở bản Piêng Coọc, xã biên giới Mai Sơn đã làm một cháu bé 18 tháng tuổi tử vong. Trong đợt dịch sởi bùng phát tại bản Piêng Coọc có 48/127 cháu bị nhiễm bệnh, trong đó 16 cháu ở thể nặng. Ngay sau khi nhận được nguồn tin từ Trạm Y tế xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) báo cáo dịch sởi bùng phát ở bản Piềng Coọc; Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương đã tiến hành phiên họp khẩn cấp, bàn giải pháp ứng phó.
Ngay sau đó đội phòng, chống dịch của huyện được thành lập gồm 3 bác sĩ đa khoa và 7 y sĩ của Bệnh viên đa khoa và Trung tâm Y tế huyện, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Vi Tân Hợi trực tiếp chỉ đạo.
Ngày 01/10/2014 ngành Y tế huyện Tương Dương đã tiến hành tiêm vacxin phòng sởi Rubelle tại bản Piềng Coọc. Qua quá trình khám sàng lọc đã phát hiện nhiều cháu bị sốt, đến ngày 08/10/2014 dịch bắt đầu bùng phát, số cháu nhiễm bệnh tăng nhanh.
Ngay sau khi có mặt tại bản Piềng Coọc các y bác sĩ trong đội phòng, chống dịch đã tiến hành khám phân loại.
Bản Piêng Coọc có 52 hộ, tổng cộng 375 khẩu nằm trên núi cao, biệt lập, giao thông đi lại hết sức khó khăn, khí hậu lại khắc nghiệt, nóng lạnh bất thường. Đời sống người dân nơi đây rất nghèo, mọi sinh hoạt đơn sơ, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Như các cháu nhỏ mang bệnh sốt cao, cần mặc đủ ấm, nhưng phần lớn chỉ mang trên mình manh áo mỏng.
Bữa ăn ngoài cơm là quả đậu chấm muối và nước đậu luộc, do đó thường bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém. Trong thời gian ở Piêng Cọc, chúng tôi đã dùng một bữa cơm tại nhà Trưởng bản Và Xái Chò nên hiểu thấu điều này. Là trưởng bản, nhưng nhà Và Xái Chò cũng giống như các gia đình khác trong bản.
Trong căn nhà nền đất, lợp mái gỗ đen bóng đặc trưng của đồng bào Mông, chẳng có vật dụng gì có giá trị, cách sinh hoạt, vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập.
Bác sỹ Và Bá Tủa cho biết: “Người dân Piêng Coọc quá nghèo, hạn chế về nhận thức. Cách thức sinh hoạt chưa thay đổi. Hằng ngày việc sinh hoạt, vệ sinh cũng rất kém … cho nên công tác phòng, chống các loại dịch bệnh xảy ra gặp rất nhiều khó khăn...".
Ông Nguyễn Văn Đàn, Trưởng khoa Dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Từ khi Piêng Coọc có dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy 16 mẫu thử để đem về kiểm tra xét nghiệm. Đến nay đã cho ra kết quả, 12/16 mẫu thử cho kết quả dương tính. Có nghĩa là Piêng Coọc đang là tâm dịch sởi. Và vì vậy, Đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngoài tham gia các vấn đề chuyên môn, yêu cầu Trung tâm Y tế Tương Dương, bằng mọi biện pháp không để dịch lây lan sang nơi khác; không chỉ các bản trong xã Mai Sơn, mà còn cả các xã trong khu vực...
Nguyễn Duy