1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch hô hấp cấp từ Hàn Quốc đe dọa tràn vào Việt Nam

(Dân trí) - Tại cuộc họp đột xuất sáng 2/6 về nguy cơ dịch Mers - Cov xâm nhập, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong vòng 10 ngày kể từ ca nhiễm vi rút Mers-Cov đầu tiên, Hàn Quốc đã ghi nhận 18 ca mắc, 2 người tử vong.

Hàn Quốc: 18 ca bệnh trong 10 ngày

Theo TS Phu, Việt Nam cũng như các nước châu Á đều đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm Mers - Cov xâm nhập. Vì ngay tại Hàn Quốc, từ ca bệnh đầu tiên đến nay đã ghi nhận 18 trường hợp mắc, 2 tử vong và có đến 18 ca bệnh liên quan đến trường hợp mắc bệnh đầu tiên. 

Đáng chú ý, một trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh đã di chuyển đến Trung Quốc trên nhiều phương tiện công cộng và cũng đã được phía Trung Quốc xác nhận nhiễm vi rút chết người này.

Dịch hô hấp cấp từ Hàn Quốc đe dọa tràn vào Việt Nam
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan ngại nguy cơ dịch Mers - CoV từ Hàn Quốc xâm nhập vào Việt Nam.

Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân, khách du lịch đi công tác, lao động, học tập về từ vùng có dịch nhiều. Tổng số người nhập cảnh từ đầu năm 2015 đến nay từ 9 quốc gia vùng có dịch là trên 23.000 người, gần 5.000 người/tháng qua 2 cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

“Là dịch bệnh có khả năng lan truyền quốc tế. Nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến nhiều tính mạng sẽ bị cướp đi, kinh tế xã hội ảnh hưởng trầm trọng và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn”, TS Phu lo lắng nói.

Sẽ áp dụng tờ khai y tế từ vùng dịch

Trước diễn biến về Mers - CoV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Việt Nam cần áp dụng ngay tờ khai y tế với khách đến từ vùng dịch. Ông Long cũng khuyến cáo người dân càn chủ động khai báo khi đi về từ vùng dịch để phối hợp với ngành y tế phát hiện sớm nhất các ca ghi ngờ, kịp thời giám sát.

GS Long bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến dịch ở Hàn Quốc, khi Tổ chức Y tế thế giới khẳng định các ca sau là do tiếp xúc với ca lây nhiễm đầu tiên. “Phải có những phân tích, đánh giá về nguy cơ lây nhiễm này. Tại sao ở Châu Á sự lây lan lại nhanh như vậy. Trong khi đó, sự giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc là rất lớn, nên xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể”, GS Long nói.

“Dù lượng khách về từ HQ là rất lớn, việc thực hiện tờ khai y tế tốn nhiều thời gian, hành khách chờ đợi nhưng từ bài học Hàn Quốc, trong vòng 10 ngày lây nhiễm từ 1 người đầu tiên lên 18 ca bệnh. Trường hợp bệnh ở Trung Quốc cũng là người đi từ vùng có dịch về chưa giám sát hết 14 ngày đã sang nước khác”, GS Long cảnh báo.

Hơn nữa, lạc đà không chỉ ở 9 nước có dịch mà ở hầu hết các nước vùng Trung Đông, nên việc hạn chế ở 9 nước cần phải thảo luận. Vì thế, thứ trưởng yêu cầu áp dụng ngay tờ khai y tế với các hành khách đi từ Hàn Quốc và Bahrain, ngoài 9 nước vùng Trung Đông đang áp dụng các đơn vị cần đánh giá, rà soát lại các biện pháp triển khai phòng chống dịch Mers-Cov xâm nhập vào Việt Nam.

Phát hiện khó khăn

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc thực hiện tờ khai y tế quan trọng nhưng sự ý thức của người từ vùng dịch trong theo dõi sức khỏe càng quan trọng hơn và phải tuyên truyền cho cán bộ y tế. Bởi căn bệnh này ủ bệnh tới 14 ngày nếu chỉ qua máy đo thân nhiệt thì không phát hiện nguy cơ.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tham gia cuộc họp cũng cho biết, 18 ca tại Hàn Quốc và Trung Quốc, có mối liên hệ dịch tễ với trường hợp đầu tiên. Đây là tình trạng lây truyền trong cơ sở khám chữa bệnh và khá phổ biến. Tại Hàn Quốc, bệnh nhân đầu tiên đã đi qua nhiều nước Trung Đông, khi về Hàn Quốc cũng đã đi qua 4 cơ sở y tế trước khi được cách ly. Trong 18 ca bệnh sau này có 16 người có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân tại cơ sở khám chữa bệnh

“Việc phơi nhiễm tại cơ sở y tế là yếu tố rất quan trọng. Việc đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn là điều kiện quan trọng hạn chế dịch lây lan”, đại diện Tổ chức y tế thế giới khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, vi rút Mers- CoV có thể tồn tại trong thời gian dài vì chúng tồn tại lưu hành tại lạc đà và văn hóa Trung Đông gồm tiếp xúc lạc đà, tiêu thụ sữa, thịt từ lạc đà là vấn đề phổ biến, tồn tại từ lâu đời. Vì thế vấn đề tuyên truyền phòng dịch làm sao để ăn sâu vào ý thức người dân, cán bộ y tế vì không thể loại khỏi vi rút này ra khỏi cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với căn bệnh này, việc giám sát, chẩn đoán, điều trị và dự phòng đều quan trọng. TS Kính cũng kiến nghị khi thực hiện tờ khai y tế nên phát tờ khai trên máy bay, tranh tập trung một chỗ quá đông cũng có nguy cơ. Ngoài khâu giám sát tờ khai y tế, gám sát người có triệu trứng lâm sàng vai trò của các bệnh viện là rất quan trọng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng tình với phân tích của các chuyên gia về khả năng xâm nhập dịch bệnh Mers - CoV vào Việt Nam. Vì thế, nữ Bộ trưởng khuyến cáo người dân tốt nhất không di du lịch, công tác với các nước vùng Trung Đông đang có dịch, trừ khi quá cấp thiết. Những người đi về từ Hàn Quốc, Trung Quốc về đều phải khai báo tại cửa khẩu, chủ động khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường khi đi khám.

Tuy vậy Bộ trưởng cũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi ngành y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch, quyết tâm triển khai giám sát tốt không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.

Hồng Hải