Dịch cúm gia cầm đang “bủa vây” thủ đô

(Dân trí) - Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại 21 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Hưng Yên, địa phương tiếp giáp với phía Đông của thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, nơi tiếp giáp với phía Tây của thủ đô.

Ổ dịch cúm gia cầm phát hiện gần đây nhất là vào ngày 01/3 tại 2 hộ chăn nuôi vịt ở thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) làm 2.132 con vịt mắc bệnh trên tổng số đàn vịt nuôi là 5.700 con.

UBND tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Chi cục Thú y tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở 21 tỉnh/thành cả nước và đang tiến sát Hà Nội

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở 21 tỉnh/thành cả nước và đang tiến sát Hà Nội

Trước đó vào ngày 24/2,  tại tỉnh Phú Thọ, địa phương giáp với phía Tây của Hà Nội, UBND tỉnh đã quyết định công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba. Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi gà của 2 xã thuộc 2 huyện Thanh Ba và Tam Nông làm 1.113 con gia cầm mắc bệnh. Tỉnh Phú Thọ đã lập hai chốt kiểm soát liên ngành được đặt tại Trạm kiểm dịch động vật cầu Việt Trì và Trạm kiểm dịch động vật cầu Trung Hà, với các lực lượng gồm Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường; Thú y. Hai chốt kiểm soát này sẽ trực 24/24 giờ.

Tính đến ngày 02/3, cả nước còn 60 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 21 tỉnh. Toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu huỷ.

Các địa phương có ổ dịch cũ đã qua 21 ngày gồm có: Tỉnh Nam Định, Long An, Kon Tum và Đăk Lăk.

Các tỉnh, thành phố còn các ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày gồm: Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hải Dương, Sóc Trăng, Gia Lai, Hưng Yên.

Theo nhận định của Cục Thú y, nguyên nhân phát xảy ra dịch cúm gia cầm là do thời tiết trong tháng 1-2/2014 lạnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là môi trường thuận lợi để vi rút H5N1 tồn tại và lây lan.

Hơn nữa, trong dịp Tết nguyên đán, gia tăng việc đi lại, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm của người dân dẫn đến vi rút có điều kiện phát tán; nhiều địa phương không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2 năm 2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1/2014 cho nên các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ vi rút Cúm H5N1 công tác thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện trong thời gian qua tại nhiều địa phương.

Qua công tác giám sát thường xuyên của Cục Thú y cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút H5N1 trên đàn thuỷ cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trong năm 2013 gần 6%.

Với diễn biến tình hình trên, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Thảo Nguyên