Dịch bệnh từ đá cây
Thấy chúng tôi thắc mắc sao không dùng đá sạch, chị chủ phì cười: “Gớm bán cốc trà đá thì lời lãi gì mà dùng đá sạch. Dùng thế có mà lỗ nặng…”. Nhìn cốc trà đá có váng cộng với mùi tanh tanh trên tay mà chúng tôi không khỏi giật mình.
Đá cây “bủa vây” quán nước
Con ngõ nhỏ nằm sát vách Trường Đại học KHXH và NV- Đại học Quốc gia Hà Nội cuối giờ chiều tấp nập người ngồi uống trà đá tại các quán “cóc”. Táp vào một quán ở đây, chị chủ quán đon đả mời chào: “Trà đá hay nhân trần vậy em?”.
Sau khi biết chúng tôi muốn uống trà đá, chị ta thoăn thoắt dùng tay bốc từng vốc đá (đã đập nhỏ) từ thùng nhựa cáu bẩn cho vào chiếc cốc thủy tinh đã đựng trà đá loãng. Hỏi về nguồn gốc đá cây, chị chủ quán cho biết đá được mua về từ một điểm bán sỉ đá cây trên đường Nguyễn Trãi.
Thấy chúng tôi thắc mắc sao không sử dụng đá sạch mà nhà mình làm ra, chị chủ phì cười: “Gớm bán cốc trà đá thì lời lãi gì mà dùng đá sạch. Dùng thế có mà lỗ nặng…”. Nhìn cốc trà đá có váng cộng với mùi tanh tanh trên tay mà chúng tôi không khỏi giật mình.
Dạo quanh một vòng khu vực này, chúng tôi nhận thấy, đại đa phần các quán nước ở đây đều “nhập” đá cây về sử dụng pha chế trà, nhân trần đá. Tất cả các chủ quán đều không ngần ngại cho biết: Nếu dùng đá sạch để bán thì chỉ có lỗ vốn. Bởi mỗi 1kg đá sạch có giá cao gấp 3 - 4 lần so với đá cây, đá viên thông thường.
Không chỉ ở khu vực quanh Trường Đại học KHXH và NV - Đại học Quốc gia Hà Nội mà hầu hết các quán cóc, quán giải khát trên đường phố Hà Nội như: Khu vực quanh SVĐ Quốc gia Mỹ Đình; Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát; KTX Mễ Trì; đường Cầu Giấy v.v... hiện cũng đều sử dụng loại đá cây, đá viên có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không rõ ràng để pha chế đồ uống bán cho người tiêu dùng.
Chủ một cửa hàng nước giải khát trên đường Thanh Niên tiết lộ: Sử dụng đá cây để pha sinh tố là thuận tiện hơn cả. Vì loại đá này rất dễ “bào” nhỏ… “Từ trước đến nay vẫn dùng loại đá này để bán hàng có thấy ai mắc bệnh gì đâu?” là lời “bảo hành” duy nhất mà chủ các quán thường đưa ra khi có người thắc mắc về chất lượng VSATTP cũng như nguồn gốc xuất xứ của loại đá cây, đá viên này.
Cảnh báo dịch bệnh phát sinh
Để tìm hiểu thêm về nguồn đá cây, đá viên mà các quán trà thường lấy về tiêu thụ, chúng tôi tìm đến khu vực Phùng Khoang (Hà Nội) - nơi có cửa hàng kinh doanh đá cây, đá viên với trữ lượng lớn.
Tại đây, chúng tôi được anh chủ cửa hàng này cho biết, giá của một túi đá viên là 5.000đ, và 150.000đ/cây đá cây - loại có trọng lượng 50kg. “Lấy cho em 10kg đá cây!”. “OK!”, nói rồi anh chủ vội dùng chiếc dao răng cưa hoen rỉ chặt từng tảng đá ra nền chiếc bạt trải dài dưới nền đất ẩm thấp.
Dụng cụ dùng để bảo quản số đá cây, đá viên trên cho khỏi tan chỉ là những tấm bạt, tấm xốp cáu bẩn quấn quanh... Cửa hàng kinh doanh trên đường Lê Duẩn - đoạn có đường tàu cắt ngang cũng vậy, chủ cửa hàng này bày từng tảng đá cây ra giữa nền đất ẩm thấp. Quây chung quanh những tảng đá cây là vải bạt nilon cũ rích không đảm bảo chất lượng VSATTP…
Trong đợt dịch tiêu chảy cấp năm ngoái, cơ quan y tế cũng đã cảnh báo, nước đá cây bày bán ở vỉa hè cũng là một nguồn lây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm nếu như việc sản xuất, bày bán loại đá này không đảm bảo chất lượng VSATTP…
Cũng liên quan đến đá cây, cuối tháng 4/2008 - thời điểm bùng phát dịch bệnh tiêu chảy cấp ở Hà Nội, một sinh viên Trường Đại học KHXH và NV - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã bị mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm phải nhập viện. Nguyên nhân, do trước đó do nữ sinh này đã uống trà đá ở khu vực hồ Phùng Khoang và sau đó bị đau bụng, buồn nôn…
Việc kinh doanh vận chuyển đá cây, đá viên của một số cửa hàng trên địa bàn TP Hà Nội đã vậy, còn những nơi sản xuất cung cấp đá cây thì sao? Vấn đề này đang cần lời giải đáp từ phía các cơ quan chức năng thông qua những đợt thanh - kiểm tra đột xuất.
Theo Trần Huy - Minh Thúy
CAND