Dị ứng với bún dọc mùng, cô gái trẻ chết não
(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) chia sẻ câu chuyện về cô gái trẻ hơn 20 tuổi sốc phản vệ do ăn dọc mùng. Sốc phản vệ không chỉ do thuốc, mà tình huống này gặp nhiều trong cộng đồng, có người sốc do dị ứng với trứng, hay chết chỉ vì ăn một hạt lạc, một bát bún dọc mùng...
Cái chết không báo trước vì sốc phản vệ
Tại hội thảo khoa học hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 14-15/4, GS Bình cho biết, rất nhiều tình huống sốc phản vệ ngoài cộng đồng, trong đó liên quan nhiều đến thức ăn, không được cấp cứu kịp thời sẽ gây nên những cái chết tức tưởi cho người bệnh, cái chết không được báo trước, thường rơi vào những người đang khỏe mạnh bình thường.
“Không chỉ trong bệnh viện (do sốc phản vệ với thuốc), mà các tình huống phản vệ quá nhiều trong cộng đồng, trong đó liên quan nhiều đến thức ăn hàng ngày. Có người dị ứng với trứng, cua... nhẹ nhàng nhất là đau bụng, đi ngoài nhưng thậm chí cũng có người chết luôn bởi cơ thể phản ứng quá mạnh với tác nhân dị ứng. Hay có người dị ứng, sốc, tử vong dù chỉ ăn một hạt lạc.
Gần đây nhất, chúng tôi gặp trường hợp dị ứng dọc mùng rất đau thương. Cô gái hơn 20 tuổi này trong lần đầu tiên ăn bún dọc mùng chỉ thấy ngứa ngứa ở miệng. Đến ăn lần hai, ngay sau khi ăn xong, cô gái lên cơn khó thở không chịu nổi, bà bán hàng vội nhờ ông xe ôm chở đến bệnh viện. Tuy nhiên, do dị ứng gây co thắt như hen nặng đã khiến người bệnh ngạt thở, ngừng tim trên đường đến bệnh viện. Khi vào viện, dù các bác sĩ cấp cứu làm tim bệnh nhân đập lại nhưng cô gái mãi mãi không hồi tỉnh bởi não đã bị tổn thương”, GS Bình nói.
Hay mới đây nhất, sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam đi Hàn Quốc hôm 6/4, một người đàn ông 54 tuổi sau bữa ăn đêm có món rau trộn salat đã ngay lập tức thấy mẩn ngứa toàn thân và chỉ khoảng hơn một phút sau bắt đầu xuất hiện hiện tượng buồn nôn, rồi nôn, người bệnh khó thở, thở rít, tím môi, đầu chi… Trên chuyến bay ấy, có hơn 10 bác sĩ đi cùng nhận diện ngay ra nạn nhân bị dị ứng thức ăn, rơi vào tình trạng sốc phản vệ. Bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi (dù có bác sĩ ở đó), nếu không có thuốc cấp cứu sốc phản vệ kịp thời.
Còn trường hợp một bác sĩ nội trú chuyên ngành lao tử vong vì sốc phản vệ luôn khiến GS Bình tiếc nuối. Người bác sĩ này bị lây truyền lao từ bệnh nhân nên được chỉ định dùng thuốc lao. Và ngay trong mũi tiêm Streptomycin đầu tiên (dù trước tiêm vài phút bệnh nhân đã được test không có vấn đề gì), điều dưỡng đi tiêm cho các bệnh nhân khác, chỉ vài phút sau quay lại người bác sĩ này đã ngừng tim, cấp cứu không có tác dụng.
Tiêm sớm để cứu bệnh nhân
Trước cái chết của đồng nghiệp, rồi số người bị sốc phản vệ ngày càng nhiều tại cộng đồng do tình huống này có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ người nào, từ sốc do thức ăn, mỹ phẩm, côn trùng đốt... với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời đã thôi thúc GS Bình cùng đồng nghiệp phổ biến phác đồ mới về cấp cứu sốc phản vệ.
Theo GS Bình, phác đồ điều trị sốc phản vệ cũ thường chỉ bác sĩ mới được chỉ định để điều dưỡng tiêm loại thuốc này và tiêm thuốc dưới da. Nhưng với phác đồ này, sau khi tập huấn, tất cả các y bác sĩ đều có thể thực hiện được. Thuốc điều trị chủ lực là Adrenalin liều thấp, rẻ tiền, được tiêm bắp nên dễ dàng hơn, điều dưỡng, y tá là người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhất, khi nhận thấy dấu hiệu là có thể tiêm ngay cho bệnh nhân, thậm chí bệnh nhân thấy có dấu hiệu sốc phản vệ cũng tự tiêm được.
Trong khi đó, sốc phản vệ không có dấu hiệu báo trước. Các tình huống sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ đâu, bất cứ ai, nhưng nếu nhận biết sớm đó là sốc phản vệ mà kịp thời cấp cứu thì 80-90% có thể thoát được. Theo đó, bệnh nhân cần được cấp cứu sốc phản vệ ngay khi thấy dấu hiệu ở da hoặc niêm mạc kèm một trong các dấu hiệu đe dọa tim mạch như: phù lưỡi, họng, nuốt nuốt; khó thở nhanh, có tiếng rít mệt; mạch nhanh, yếu, da lạnh... Phác đồ mới này chỉ định tiêm adrenalin cũng sớm hơn phác đồ cũ.
“Người ta lo ngại adrenalin có thể gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, nhưng theo phác đồ này thuốc được sử dụng ở liều thấp, nên khi bệnh nhân có dấu hiệu và được tiêm (sau xác định không phải sốc phản vệ cũng không sao), bệnh nhân tăng nhịp tim một chút, hồi hộp như gặp... người yêu chứ không gây nguy hiểm gì. Ngược lại, nếu đợi thêm triệu chứng mới tiêm dễ bị muộn, bỏ sót, bệnh nhân sẽ mất cơ hội được cứu sống”, GS Bình nói.
GS Bình cũng khuyến cáo loại thuốc Adrenalin liều thấp này cần được trang bị tại những đơn vị cấp cứu ban đầu, trên máy bay, tàu biển và hải đảo cứu hoả, … hay trang bị cho những người làm việc độc lập cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng… Thậm chí, nếu gia đình có người có tiền sử bị dị ứng cũng nên để một ống Adrenalin hàm lượng thấp dùng để tiêm bắp nếu không may gặp tình huống cấp cứu như hành khách trên máy bay mới đây.
Hồng Hải