Dị ứng thuốc đông y - Tai họa khôn lường
Trong mấy ngày qua, Viện Da liễu TƯ đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc thuốc đông y rất nguy kịch. Bệnh nhân Vũ Văn H. vào viện trong tình trạng sốt cao, toàn thân da viêm loét, có nhiều bọng nước, niêm mạc miệng, mắt bị tổn thương, rối loạn chức năng gan, thận, giảm bạch cầu...
Hai nạn nhân của những thang thuốc đông y
Sau một tuần điều trị, bệnh vẫn rất nặng, các bọng nước đã vỡ, da toàn thân đỏ rực, nhiều vị trí vẫn tiếp tục chảy nước do cọ xát khi nằm. Bệnh nhân H. - 19 tuổi, quê Từ Sơn, Bắc Ninh - đã được điều trị tích cực tại phòng cấp cứu của viện nhưng vẫn chưa qua khỏi nguy kịch. Theo kết luận của các bác sĩ, bệnh nhân bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) do uống thuốc đông y. Đây là thể nặng nhất của dị ứng thuốc.
Bố bệnh nhân H. kể: "Tôi và con trai đều bị đau dây thần kinh toạ, đi bắt mạch và bốc thuốc tại một ông lang. Sau khi uống 10 thang thuốc, con trai tôi thấy nổi các bọng nước ở tay rồi lan nhanh ra khắp người, còn tôi cùng uống nhưng chỉ thấy xuất hiện các ban đỏ ở tay và người. Khi bệnh cháu trầm trọng, tôi có hỏi lại ông lang thì ông bảo bệnh nặng lên thì thuốc mới có tác dụng, tôi không yên tâm liền đưa cháu đi khám ở bệnh viện huyện, các bác sĩ nói phải chuyển ngay về bệnh viện TƯ".
Nhập viện sau bệnh nhân H. 3 ngày, chị Nguyễn Thị Ng. - 37 tuổi, ở Lâm Thao, Phú Thọ - còn trong tình trạng nặng hơn. Trên da có nhiều bọng nước to, nhiều mảng da bị chợt, niêm mạc miệng, mắt đều bị tổn thương và sốt cao khi nhập viện.
Mặc dù đã được điều trị rất tích cực, nhưng bệnh nhân Ng. vẫn sốt cao do nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng máu, không ăn uống được. Bệnh nhân Ng cũng là nạn nhân của bài thuốc đông y chữa đau khớp, sau khi uống 7 thang thuốc của một ông lang.
Thận trọng khi dùng thuốc đông y
PGS-TS Trần Hậu Khang - Phó Viện trưởng Viện Da liễu quốc gia - cho biết: Bị dị ứng thuốc ở dạng hoại tử thượng bì nhiễm độc là thể bệnh rất nguy hiểm, có thể đe doạ đến tính mạng. Do da toàn thân bị hoại tử rất dễ nhiễm độc, mất nước, mất điện giải, mất protein có thể gây sốc và nhiễm trùng máu. Cùng với các thương tổn ở da, các cơ quan nội tạng cũng bị thương tổn, đặc biệt là gan và thận, vì vậy nguy cơ tử vong rất cao.
Viện Da liễu quốc gia trong thời gian gần đây, tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị dị ứng thuốc đông y ở thể này. Do là thể bệnh nặng phải điều trị kéo dài nên nguy cơ nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu rất cao. Có bệnh nhân sau thời gian điều trị đã hết các vết nhiễm trùng trên da, nhưng bị suy gan, suy thận, hoặc nhiễm trùng máu nên đã tử vong sau đó không lâu.
Một quan niệm rất sai lầm của người dân cho rằng, uống thuốc đông y là an toàn, không gây dị ứng như thuốc tâỵ. Thuốc đông y hiện nay của các cơ sở tư nhân, gia truyền hầu như không được kiểm nghiệm rõ ràng. Do các lá, rễ, cành cây tươi được chặt về phơi khô dễ bị nấm mốc nên các cơ sở này thường tẩm các hoá chất chống ẩm mốc, chính chất này gây dị ứng thuốc, ngộ độc gan, tuỷ...
Một điều đặc biệt cần lưu ý là sau khi uống thuốc, nếu xuất hiện các hiện tượng như ngứa, sốt, các ban đỏ trên da... thì lập tức phải dừng uống thuốc và đến ngay các cơ sở y tế, đặc biệt là khoa da liễu hoặc bệnh viện da liễu để được xử lý kịp thời.
PGS-TS Trần Hậu Khang còn cho biết, hai bệnh nhân bị dị ứng thuốc đông y đã chuyển đến viện các thang thuốc mà họ đã dùng và viện sẽ đưa những thang thuốc này đi kiểm nghiệm để tìm ra độc chất gây hại để cảnh báo đến người dân cần thận trọng khi dùng thuốc đông y.
Theo Phương Ngọc
Lao Động