Dị tật thận tiết niệu trẻ em: Nguy cơ tử vong cao

(Dân trí) - PGS. TS Trần Đình Long, Trưởng khoa Thận BV Nhi T.Ư cho biết, ngay từ khi sinh trẻ đã có thể bị các dị tật thận tiết niệu. Các dị tật này có thể tác động ngay đến đến sức khoẻ, nhưng cũng có khi âm ỉ, đến một lúc nào đó mới bùng phát và gây nhiều biến chứng như: đái mủ, suy thận, suy thận mạn... khiến người bệnh có thể bị tử vong.

Phần lớn là phát hiện muộn

 

Dị tật thận tiết niệu gồm nhiều loại, là những bất thường về cấu trúc, chức năng, hình thái của hệ thống thận tiết niệu từ thận tới hệ thống dẫn niệu ngoài.

 

Tỷ lệ trẻ em bị dị tật thận tiết niệu tương đối lớn. Nghiên cứu mới đây của GS Long kết hợp với BV Phụ sản T.Ư, trong tổng số 6037 trẻ sau sinh được làm các xét nghiệm, siêu âm, phát hiện tới 177 trường hợp bị dị tật thận tiết niệu (chiếm 2,93%).

 

Theo GS Long, dị tật thận tiết niệu nguy hiểm ở chỗ bệnh thường được phát hiện khi đã quá muộn do bệnh không có những triệu chứng điển hình. Hơn nữa, không phải dị tật nào cũng gây ảnh hưởng ngay đến sức khoẻ người bệnh mà có thể vài năm sau mới bùng phát và gây các biến chứng.

 

Ở Việt Nam, có tới hơn 92% người bệnh đến viện trong tình trạng nguy hiểm, đã có các biến chứng là đái mủ, suy thận... phải chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật để cứu sống người bệnh. 8% còn lại, một nửa thì có dị tật nhưng phát hiện sớm hơn, có thể để theo dõi bảo tồn, còn lại là tình trạng bệnh đã ở giai đoạn nguy kịch, không còn hy vọng cứu sống. (*)

 

Dị tật thận tiết niệu nếu phát hiện muộn có thể gây nhiều biến chứng như: nhiễm trùng đường tiết niệu, ứ mủ, ứ nước đái bể thận, suy dinh dưỡng nặng, suy thận, suy thận mạn, cao huyết áp... rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

 

Phát hiện sớm dị tật thận tiết niệu

 

Phụ nữ mang thai cần theo dõi thai đúng định kỳ vì dị tật thận tiết niệu hoàn toàn có thể được phát hiện từ khi thai được 2 tháng tuổi. Khi thai được 5 tháng, các dị tật ở vùng phía dưới của hệ thống tiết niệu như: bàng quang, niệu đạo, túi sa niệu quản có thể gây ứ trệ nước tiểu ngay khi bé còn nằm trong bụng mẹ.

 

Trên thế giới, bác sĩ thường can thiệp bằng cách hút bớt ứ trệ nước tiểu trong thai, còn ở Việt Nam, sau khi sinh, bác sĩ sẽ siêu âm lại để xác định trẻ có thêm dị tật nào khác không và sẽ theo dõi chặt tình trạng bệnh của trẻ để có hướng xử lý thích hợp nhất.

 

Có cần phẫu thuật sớm?

 

Thông thường, khi phát hiện trẻ bị dị tật thận tiết niệu có thể theo dõi, nhưng có những loại dị tật tiết niệu phải mổ ngay sau khi đẻ, hoặc chỉ trì hoãn được 5 – 7 ngày, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Nhìn chung, những dị tật dẫn đến ứ trệ nước tiểu dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, mưng mủ và suy thận... sẽ phải can thiệp sớm để tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

 

PGS.TS Trần Đình Long cho biết, với những trường hợp dị tật thận tiết niệu khác được phát hiện sớm sẽ được quản lý, theo dõi sát sao tình trạng bệnh. Khi nào thấy dị tật có nguy cơ gây các biến chứng thì bệnh nhân sẽ được can thiệp bằng phẫu thuật để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

 

“Tuy nhiên, muốn làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của bác sĩ và gia đình người bệnh để thường xuyên kiểm tra, chống nhiễm trùng. Có như vậy mới tránh phải mổ sớm cho người bệnh, bởi phần lớn những dị tật thận tiết niệu không phải mổ ngay sau sinh thì để trẻ càng lớn, mổ càng an toàn hơn”, PGS Long cho biết.

 

Hồng Hải

 

(*) Số liệu từ đề tài nghiên cứu dị tật thận tiết niệu và kế hoặch điều trị, theo dõi ở trẻ em từ 1996 – 2000 của PGS.TS Trần Đình Long.