Đi phụ hồ nuôi cha tâm thần, con trai bị máy cắt gạch "nghiến" nát 2 chân
(Dân trí) - Trong lúc đang phụ hồ tại công trình, người đàn ông bị máy cắt gạch làm dập nát hai cẳng chân, phải đoạn chi và mổ đến 4 lần.
Mới đây, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bị tai nạn lao động thương tâm.
Bệnh nhân là anh T.V.E. (36 tuổi, quê Cà Mau). Theo bệnh sử, khoảng 3h ngày 12/3, anh E. đang làm việc tại một công trình ở Bình Dương thì va chạm vào máy cắt gạch. Hậu quả là hai cẳng chân của anh bị chiếc máy cắt và gây ra vết thương dập nát rất nặng. Người đàn ông được đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh sơ cứu, trước khi chuyển lên tuyến trên khẩn cấp.
Thời điểm vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân trong tình trạng có vết thương dài 10 cm ở vùng cổ chân phải, vết thương lóc da rộng cổ chân trái, bàn chân trái tím. Qua khám và kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy hở nặng đầu dưới xương chày phải, lóc da toàn bộ cẳng chân phải và cổ bàn chân trái, dập nát và gãy hở xương nhiều vị trí ở chân.
Ekip điều trị đã tiến hành mổ cấp cứu, khóa khớp và xuyên đinh cố định những vị trí thương tổn ở chân trái, khâu da hai chân, nẹp bột đùi bàn chân phải. Hai ngày sau nhập viện, chân bệnh nhân bị hoại tử da và mô mềm nhiều, phải mổ cắt lọc, cấy kháng sinh.
Đến ngày 28/3, anh E. bị hoại tử nhiễm trùng chân trái, hoại tử cơ chân phải. Các bác sĩ buộc lòng phải tiến hành đoạn chi một phần cẳng chân trái để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Sau khi tình hình sức khỏe ổn định hơn, người đàn ông tiếp tục được thực hiện ca mổ lần thứ 4, ghép da vùng cẳng chân và mu bàn chân phải cho bệnh nhân. Hiện tại, anh E. đã qua cơn nguy kịch, nhưng sẽ còn cần thời gian dài hồi phục.
Được biết, anh E. có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mẹ bệnh nhân mất vì tai nạn khi anh còn nhỏ, trong khi người cha có đầu óc không tỉnh táo. Người con đi làm mướn nuôi cha, trước khi xảy ra tai nạn đau lòng. Biết sự việc trên, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chung tay ủng hộ chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Các bác sĩ chia sẻ, tai nạn lao động khi xảy ra không chỉ khiến người bị nạn mất khả năng lao động mà còn lệ thuộc vào người thân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của gia đình và xã hội.
Do đó, người lao động phải tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc đảm bảo an toàn, không nên cố gắng làm việc, tăng ca khi cơ thể đã quá căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra, chủ cơ sở sử dụng lao động phải trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho nhân công.