Đi ngoài ra máu có phải đã mắc ung thư đường tiêu hóa?

(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam, bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Độ tuổi mắc bệnh ung thư đại trực tràng trung bình là trên 50 tuổi.

Tôi bị viêm đại tràng mạn tính. Thời gian gần đây hay đi ngoài ra máu, liệu đây có phải là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng không và làm sao để có thể phát hiện bệnh?

(Phạm Bằng, Hà Nội)

TS.BS Phm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phu thut ni soi Robot, Trưởng khoa Ngoi bng I, Bnh vin K (Hà Nội) trả lời:

Đây là một trong những dấu hiệu đáng lo ngại. Chúng ta đã biết ung thư đại trực tràng có những dấu hiệu sớm như: đi ngoài ra máu hay có máu lẫn trong phân. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể thay đổi các thói quen đại tiện như là về tần suất, số lượng, thời gian hoặc xuất hiện tình trạng tiêu chảy, táo bón, xen lẫn những đợt táo bón và tiêu chảy.

Đi ngoài ra máu có phải đã mắc ung thư đường tiêu hóa? - 1

Đối với khối u có kích thước lớn hơn ở giai đoạn tiến triển hơn, bệnh nhân có thể bị đau bụng. Thậm chí, có những bệnh nhân đến với chúng tôi ở giai đoạn muộn với triệu chứng tắc ruột, vì khối u chèn ép.

Dấu hiệu toàn thân có thể xuất hiện khi mắc ung thư đại trực tràng là: mất cảm giác ngon miệng khi ăn, ở giai đoạn muộn hơn bệnh nhân có thể sụt cân.

Vì vậy, tôi khuyên bạn nên đi khám ở một trung tâm ung thư hay chuyên khoa về tiêu hóa. Các bác sĩ sẽ khám và nội soi đại trực tràng ống mềm. Ngày nay, phương pháp này đã được các bác sĩ làm chủ và thực hiện rất tốt, ít gây phiền hà hay cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.

Ung thư đại trực tràng mặc dù nguy hiểm nhưng có thể phòng và phát hiện sớm dễ dàng. Nếu chúng ta thường xuyên tầm soát bệnh bằng phương pháp nội soi có thể phát hiện tăng trưởng gọi là polyp và loại bỏ hoàn toàn trước khi chúng có cơ hội trở thành ung thư. Các xét nghiệm khác như xét nghiệm tìm máu trong phân, chất chỉ điểm ung thư, vv… cũng có thể giúp phát hiện bệnh sớm và tăng cơ hội điều trị thành công.