Đi khám vì đau khớp mới biết mắc bệnh lạ "ngón tay cò súng"

Minh Nhật

(Dân trí) - Người đàn ông 42 tuổi nhập viện trong tình trạng ngón tay bị gập hình "cò súng", đau nhức.

Vận động của ngón tay được thực hiện qua hoạt động gấp, duỗi của sợi gân. Sợi gân nằm trong một ống là hệ thống bao gân và ròng rọc. 

Ngón tay cò súng hay còn gọi là ngón tay bật là bệnh ngón tay bị cứng cố định ở một tư thế. Đây là bệnh do viêm dây chằng vòng cố định gân gấp ngón tay. Tình trạng viêm tiến triển dẫn đến gân không chuyển động một cách trơn tru, làm cho ngón tay bị khóa tại chỗ.

Đi khám vì đau khớp mới biết mắc bệnh lạ ngón tay cò súng - 1

Ngón tay cò súng hay còn gọi là ngón tay bật là bệnh ngón tay bị cứng cố định ở một tư thế (Ảnh minh họa).

Vừa qua, Khoa Chấn thương II - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân 42 tuổi, trú tại Việt trì, Phú Thọ mắc ngón tay cò súng.

Qua khai thác bệnh sử, người bệnh chia sẻ rằng, đã mắc bệnh này khoảng 2 năm nay nhưng không biết, cứ nghĩ do đau khớp bình thường nên thường mua thuốc uống. Tuy nhiên bệnh không đỡ mà ngày càng đau. Người bệnh khám tại Khoa Chấn thương II, được chẩn đoán bệnh ngón tay cò súng và có chỉ định phẫu thuật cắt bao gân duỗi, giải phóng gân tại vị trí khoang gân duỗi bị viêm.

Sau phẫu thuật một giờ, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng, sau phẫu thuật 10 ngày người bệnh được cắt chỉ, tay đã vận động trơn tru, bình thường.

Theo các chuyên gia, bệnh ngón tay cò súng là một bệnh rất thường gặp, nhưng người bệnh thường hay không để ý, chỉ đến khi bệnh nặng mới đến bệnh viện khám. 

Khi được chẩn đoán bệnh lý ngón tay cò súng, có thể tiến hành phẫu thuật ở mọi lứa tuổi tùy mức độ nặng của bệnh. Đối với trẻ nhỏ hơn một tuổi và tình trạng gân chưa kẹt nặng gây đau, có thể tập vật lý trị liệu cho bé dần hồi phục.

Điều trị phẫu thuật giúp giải phóng vị trí gân bị kẹt lại, vết mổ nhỏ 0.5 - 1cm để giải phóng hoạt động của gân gấp.

Bệnh ngón tay cò súng thường gặp ở những đối tượng nào?

Bệnh ngón tay cò súng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người 45 tuổi trở lên, chủ yếu là nữ giới.

Những bệnh nhân mắc các bệnh lý nền như: đái tháo đường, gút, hội chứng ống cổ tay, suy giáp, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận mạn cũng tăng tỉ lệ mắc bệnh ngón tay cò súng.

Bệnh được cho là nguy cơ nghề nghiệp của nha sĩ, thợ may và thợ mổ gia súc

Triệu chứng của bệnh ngón tay cò súng

Ngón tay thường bị cố định, kẹt hoặc khóa trong tư thế gập khi vận động ngón tay cần phải có ai đó kéo thẳng hoặc bẻ về vị trí cũ.

Đau xảy ra trên vùng gân và thường đau nhiều hơn khi vận động, ngoài ra cũng có thể xuất hiện sưng.

Tất cả các ngón tay đều có thể bị, đa số gặp ở ngón 1 - 4, đặc biệt người lớn thường bị ngón giữa còn trẻ em thường bị ngón tay cái.

Bệnh được phân loại thành 4 cấp độ:

Cấp độ một: Đau mặt lòng và khó chịu ở ròng rọc, gân gấp ngón tay.

Cấp độ 2: Bị vướng ngón tay.

Cấp độ 3: Bị khóa ngón tay, chỉ có thể cử động thụ động.

Cấp độ 4: Bị khóa cố định ngón tay, không thể cử động.

Khi người bệnh thấy những dấu hiệu trên nên đến bệnh viện khám để được bác sĩ chẩn đoán bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.

Lưu ý sau khi mổ điều trị ngón tay cò súng

- Tắm rửa bình thường giơ cao tay để tránh làm ướt vết thương.

- Tránh mang vác, nâng vật nặng, hạn chế cử động cổ ngón tay, nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần để tay có thể phục hồi hoàn toàn.

- Tránh thực hiện các động tác mạnh và lặp lại liên tục như băm, chặt, đánh máy, di chuột máy tính, chơi golf,…

- Tái khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường như: Đau mà không đỡ sau khi dùng thuốc, sưng nề vết mổ nhiều, chảy dịch mủ vết mổ; cảm giác tê, yếu liệt tay sau mổ.