Đi bơi, du lịch mùa nắng nóng: Làm gì để không bị bệnh ngoài da tấn công?
(Dân trí) - Trong thời tiết nắng nóng kéo dài, đi du lịch biển hay đi bơi là cách nhiều người lựa chọn để giải nhiệt. Tuy nhiên nếu không cẩn thận, bạn có thể mắc những căn bệnh về da phổ biến.
Những ngày qua khi thời tiết ở khu vực phía Nam và TPHCM vẫn nắng gay gắt kéo dài, bên cạnh việc đi biển, du lịch ở nơi có khí hậu mát mẻ, nhiều người chọn nghỉ lễ tại chỗ, gần nhà, bằng cách đến các khu du lịch có biển nhân tạo hoặc hồ bơi công cộng để giải nhiệt, tránh nóng.
Cảnh giác những căn bệnh có thể xảy ra khi đi bơi
Theo Bệnh viện Da Liễu TPHCM, bơi lội ngoài tác dụng giải nhiệt mùa nắng còn giúp rèn luyện thể lực, vận động toàn bộ cơ thể, cải thiện chức năng tim mạch và dung tích phổi...
Tuy nhiên theo các bác sĩ, khi bơi ở hồ tắm công cộng, làn da của bạn có thể bị ảnh hưởng, vì hồ có hóa chất khử khuẩn. Cụ thể, nước hồ bơi có chứa chlorine - chất diệt khuẩn có khuynh hướng làm khô da, nhất là với người viêm da cơ địa. Ngoài ra, việc ngâm mình lâu trong nước sẽ rửa trôi các chất làm ẩm tự nhiên, khiến da mất độ ẩm, tróc vảy và ngứa.
Kế đến là tình trạng viêm da khi tiếp xúc với kính bơi, thường xảy ra ở những người dị ứng cao su, gây đỏ da, ngứa và đôi khi nổi mụn nước ở vùng da tiếp xúc. Để điều trị, bệnh nhân cần phải thoa hoặc uống corticosteroid.
Bạn cũng có thể bị viêm nang lông vùng mặc bikini, do da tiếp xúc với đồ bơi bó sát và ẩm ướt cả ngày. Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác như nấm da, hội chứng bàn chân nóng (lòng bàn chân nổi các nốt đỏ sau khi bơi do nhiễm vi khuẩn Pseudomonas)...
Bên cạnh bệnh ở da, người dân còn có nguy cơ viêm tai giữa, do thói quen đưa tay bẩn mang mầm bệnh lên ngoáy tai khi đi bơi. Nếu điều trị không đúng cách, bệnh nhân có thể giảm sức nghe, ảnh hưởng thính lực.
Bác sĩ Diệp Phúc Anh, chuyên khoa Tai Mũi Họng phân tích, khi có nhiều người cùng bơi vào thời điểm nắng nóng sẽ khiến hồ bơi chứa nhiều vi khuẩn, virus. Một số người không vệ sinh cơ thể trước khi xuống hồ bơi, khạc nhổ, tiểu tiện trong hồ bơi, hoặc đi bơi khi đang mắc các bệnh ngoài da, bệnh viêm nhiễm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh chung.
Lời khuyến cáo của bác sĩ
Để giảm thiểu, phòng tránh việc mắc bệnh về da khi vui chơi, du lịch ngoài trời trong những dịp nghỉ lễ và mùa nắng nóng, thạc sĩ, bác sĩ Phan Ngọc Huy, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TPHCM khuyến cáo, người dân cần sử dụng kem chống nắng phổ rộng (có chỉ số SPF 30 trở lên), thoa trước khi ra ngoài 30 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ, hoặc sau khi đổ mồ hôi nhiều.
Kế đến, cần mặc quần áo che chắn kỹ, uống nhiều nước, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời điểm nắng nóng cao nhất (từ 9h đến 16h). Nếu phải ra ngoài, hãy tìm bóng râm hoặc che chắn cẩn thận bằng ô, mũ, áo khoác...
Sau khi đi nắng, hãy rửa mặt và thoa kem dưỡng ẩm để làm dịu và phục hồi da. Có thể sử dụng các loại mặt nạ dưỡng da tự nhiên, như mặt nạ dưa chuột, mặt nạ nha đam... để phục hồi làn da.
Với người thường xuyên đi bơi, cần thoa kem dưỡng ẩm da, hạn chế mặc đồ bơi bó sát và ẩm ướt kéo dài. Sau khi bơi, cần tắm rửa sạch sẽ và vệ sinh tai kỹ lưỡng. Khi phát hiện da có dấu hiệu bất thường hoặc triệu chứng của viêm tai, hãy đến bệnh viện khám ngay để được điều trị sớm.