1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đeo kính ban đêm giảm tốc độ tăng cận thị

(Dân trí) - Thay vì đeo kính ban ngày, người bị tật khúc xạ sẽ được đặt trực tiếp kính tiếp xúc (còn gọi là kính áp tròng) lên bề mặt giác mạc trước khi đi ngủ. Chỉ cần đảm bảo đủ thời gian 6 – 8 tiếng đeo mỗi đêm, ngày hôm sau không cần đeo bất cứ loại kính nào thị lực vẫn nhìn tốt.

Chữa cận thị không phẫu thuật

TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt Trung ương cho biết, lần đầu tiên tại BV chính thức đưa vào hoạt động Phòng khám kính tiếp xúc, trước nhu cầu rất lớn chữa cận thị, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ nhỏ bị tình trạng tăng độ cận nhanh. Để có thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh, BV đã cử cả bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo trước đó.

Đeo kính ban đêm giảm tốc độ tăng cận thị - 1

Theo Bác sĩ Phạm Thị Hải Yến, Phụ trách Phòng khám kính tiếp xúc, Bệnh viện Mắt Trung ương, nhiều bà mẹ khi đưa con đến khám tật khúc xạ kêu giời vì trẻ bị tăng độ cận rất nhanh. Nhiều người lo lắng, không biết đến khi con 18 tuổi, độ cận ổn định để có thể can thiệp thì con sẽ cận đến mức độ nào.

Chỉnh tật khúc xạ điều trị một số bệnh lý giác mạc được sử dụng nhiều nước trên thế giới, như tại Mỹ, Nhật bởi cho phép điều trị cận thị mà không phẫu thuật, không xâm lấn. Kính tiếp xúc cứng sẽ được đặt vào giác mạc người bệnh trước khi đi ngủ. Trong khi đang ngủ, tròng kính tác động và làm thay đổi hình dáng bề mặt phía trước của giác mạc, qua đó điều chỉnh độ cận thị, giúp thị lực được cải thiện tối đa vào ngày hôm sau khi thức dậy vào tháo tròng kính. Người cận vẫn đạt thị lực tốt nhất khi học tập, sinh hoạt, chơi thể thao mà không phải đeo kính.

Theo BS Yến, phương pháp chữa cận thị không xâm lấn, hạn chế sự tiến triển của cận thị, thời gian đeo trong lúc ngủ sẽ là thuận lợi cho nhiều người không muốn đeo kính gọng, muốn có sự thuận lợi, an toàn khi chơi thể thao; không muốn đeo kính áp tròng ban ngày hoặc bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật khúc xạ, người lo ngại với nguy cơ của phẫu thuật; chưa đủ tuổi phẫu thuật mắt, đặc biệt là tình trạng tăng độ cận quá nhanh sau mỗi lần kiểm tra mắt định kỳ, nhất là trẻ em ở lứa tuổi từ 8 đến 15.

Hiệu quả tốt với độ cận dưới 6 đi ốp, loạn dưới 2 đi ốp

BS Yến lưu ý, kính tiếp xúc cứng có hiệu quả cải thiện thị lực ở những mức độ khác nhau, ở từng bệnh nhân. Đây là lý do thời gian đầu, bệnh nhân sẽ thường xuyên phải đến phòng khám chỉnh kính. Khi đã ổn định, thời gian sử dụng 1 bộ kính có thể lên tới 2 năm.

Bác sĩ cần khám thật kĩ tật khúc xạ, mắt của bệnh nhân trước khi chỉ định dùng kính. Ảnh: H.Hải
Bác sĩ cần khám thật kĩ tật khúc xạ, mắt của bệnh nhân trước khi chỉ định dùng kính. Ảnh: H.Hải

Tuy nhiên, hiệu quả và an toàn nhất cho người sử dụng kính tiếp xúc cứng ban đêm là cận tối đa đến 6 và độ loạn tối đa lên 2. “Trong dải độ trên, kính có tác dụng rất tốt trong việc điều trị cận thị và kiểm soát sự tiến triển độ cận. Khi cận loạn quá độ dải trên nếu dùng sẽ không mang lại tác dụng nhiều, thậm chí có thể khiến người dùng bị tăng độ loạn khi giảm được vài độ cận. Vì thế, để được chỉ định phương pháp này, bác sĩ phải khám rất kỹ tật khúc xạ của bệnh nhân để xác định độ cận – loạn trong giới hạn tốt nhất. Ngoài ra, để đủ tiêu chuẩn dùng kính tiếp xúc này, bác sĩ cũng khám mắt của bệnh nhân, xác định tình trạng không viêm nhiễm, không khô mắt nặng…”, BS Yến nói.

Tuy nhiên, vì là kính tiếp xúc, nên có cũng có một vài nguy cơ giống kính tiếp xúc truyền thống như kích thích, trầy xước, viêm nhiễm... Vì thế, bệnh nhân cần tuân thủ chính xác hướng dẫn của bác sĩ khi dẫn sử dụng kính, ngâm kính với dung dịch đảm bảo vệ sinh, dùng nước mắt nhân tạo trước khi đeo kính, trước khi tháo kính… để đảm bảo an toàn cho mắt, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

Được biết, chi phí lắp đặt kính khoảng 11 - 15 triệu đồng cho 2 mắt tùy loại kính Nhật hay Mỹ, có thời gian sử dụng từ 1 – 2 năm.

Ngoài ra, BS Yến cảnh báo giới trẻ không nên tùy tiện đặt mua kính áp tròng thời trang trên mạng mà không được khám, tư vấn đúng, đầy đủ về cách sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính bởi việc không đảm bảo vệ sinh, đảm bảo đúng cách khi đeo có thể gây xước, loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực.

Hồng Hải