1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

Đề xuất xây dựng Luật phòng bệnh để quản lý toàn diện y tế dự phòng

Hà An

(Dân trí) - Sau 18 năm thực thi, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong công tác phòng bệnh. Các vấn đề y tế khác như bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần… đang bị bỏ ngỏ.

Vì thế, Chính phủ cần đầu tư cho y tế dự phòng, để tiến tới kiểm soát tốc độ gia tăng ca mắc bệnh, giảm gánh nặng về kinh tế và xã hội.

Y tế dự phòng là chiến lược trước mắt và lâu dài

Một đồng đầu tư cho dự phòng sẽ tiết kiệm được 100 đồng cho chi phí điều trị. Đầu tư cho y tế dự phòng không chỉ giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, mà còn đem lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, y tế dự phòng là một trong những chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém, hiệu quả lâu dài và bền vững nhất, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Những năm qua, y tế dự phòng đã có nhiều kết quả đáng mừng như khống chế được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trở thành "mắt xích then chốt".

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các bệnh mới, gia tăng các bệnh không lây nhiễm, khiến hệ thống y tế dự phòng đang gặp những khó khăn nhất định, trong đó có khoảng trống về mặt pháp lý.

Theo TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành đã bảo đảm tính phù hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan.

Đề xuất xây dựng Luật phòng bệnh để quản lý toàn diện y tế dự phòng - 1

TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: T.D).

Đồng thời, luật tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch y tế, tiêm chủng vaccine…, góp phần quan trọng trong khống chế dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn nhiều bất cập, trong đó có những vướng mắc từ cơ chế chính sách, một số quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm không còn phù hợp với thực tiễn và cần được sửa đổi, bổ sung.

Chẳng hạn, quy định về phân loại bệnh truyền nhiễm, báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, thẩm quyền công bố dịch chưa phù hợp thực tiễn, thiếu linh hoạt, quy định về điều kiện công bố dịch chưa đảm bảo tính khả thi…

Sự xuất hiện liên tục của các bệnh truyền nhiễm mới như SARS, cúm A(H1N1), MERS-CoV, Covid-19, đậu mùa khỉ… đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung luật để quản lý các bệnh truyền nhiễm được linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó khi có dịch bệnh mới xảy ra là vô cùng cấp thiết.

Các vướng mắc trong văn bản pháp luật hiện hành đối với việc sử dụng các giải pháp dự phòng mới như sinh phẩm y tế trong công tác phòng bệnh cũng là một hạn chế đối với vấn đề phòng bệnh truyền nhiễm.

Không chỉ vậy, luật hiện hành hiện thiếu những quy định cần thiết về dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, quản lý bệnh không lây nhiễm.

Trong khi đó, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường… đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Lý do, số người mắc bệnh nhiều, giảm chất lượng cuộc sống và có nguy cơ tử vong cao.

Hệ lụy có thể thấy rõ ràng là áp lực lớn lên hệ thống y tế, chi phí khám chữa bệnh tốn kém, tinh thần và cuộc sống của người dân và gia đình người bệnh bị ảnh hưởng.

"Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh này trong cộng đồng, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải tại các bệnh viện.

Đồng thời, khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường…", TS Đức nhấn mạnh.

Xây dựng Luật Phòng bệnh để phòng bệnh từ xa, nâng cao sức khỏe người dân

Việc Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã gần 18 năm chưa được sửa đổi, bổ sung, thiếu sự bao quát các vấn đề phòng chống bệnh không lây nhiễm làm khoảng trống pháp lý ngày một gia tăng, cản trở công tác phòng, chống bệnh tật hiệu quả.

Chiến lược đầu tư cho y tế dự phòng cần phải ưu tiên tập trung vào việc "vá" các khoảng trống này, để dọn đường cho các chính sách, quy định về y tế dự phòng được thực thi và đi vào đời sống.

Luật Phòng bệnh được dự kiến xây dựng theo hướng kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và bổ sung các quy định về phòng chống bệnh không lây nhiễm, các rối loạn sức khỏe tâm thần, bảo đảm dinh dưỡng phòng bệnh....

Việc có luật mới sẽ đảm bảo khắc phục các hạn chế của luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành và bao quát toàn diện các vấn đề khác về phòng bệnh. Đồng thời, bảo đảm tính dự báo trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe…

Bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam cũng cần tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất y tế dự phòng, đào tạo nâng cao năng lực nhân sự, tập trung xây dựng chính sách thu hút nhân tài, đẩy mạnh giáo dục cộng đồng…

Tất cả cùng hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.