1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Để trẻ luôn ấm trong đêm đông

Thời tiết đang lạnh, trẻ sẽ rất dễ bị cảm lạnh nếu cha mẹ không cẩn thận, vì thực tế đã có nhiều trường hợp bố mẹ chủ quan khiến con mắc bệnh.

 

Để trẻ luôn ấm trong đêm đông - 1


Con viêm hô hấp vì bố mẹ ngủ say

 

Gần sáng, chị Kim trở dậy để đi vệ sinh mới tá hỏa phát hiện con trai hơn 1 tuổi đang nằm ngủ vắt ngang đầu giường, sờ thấy bé lạnh ngắt. Chị không biết bé chui ra khỏi chăn khi nào, vì trước khi ngủ chị đã "lèn" bé rất chặt. Nghe dự báo đêm có thể rét đậm rét hại, ngoài cái áo cotton cổ lọ kín cổ, trước khi ngủ, chị Kim mặc thêm cho con trai cái áo len, cho bé nằm giữa bố mẹ và đắp cùng chăn bông cho ấm.

 

Có lẽ do được ủ ấm quá kỹ, bé bị nóng nên đạp chăn để chòi lên trên. Hậu quả là ngay hôm đó, bé bị sốt, hắt hơi, sổ mũi, ho đờm, khò khè, nghe có tiếng ran trong phổi. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản phổi, phải uống kháng sinh và khí dung.

 

Trường hợp khác là bé Xuân, trước khi đi ngủ mẹ đã mặc đầy đủ quần áo bằng cotton rộng rãi, đắp chăn lưới. Nửa đêm nghe con ho, mẹ giật mình trở dậy đã thấy con nằm ngoài chăn, áo tốc lên gần ngực, hở cả bụng. Và hậu quả là ngày hôm đó, bé ho có đờm, đi ngoài phân loãng, chua và có nhầy.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Bệnh viện Nhi Trung ương, thân nhiệt của trẻ nhỏ thay đổi rất nhanh. Trong đêm, nếu được ủ ấm, trẻ có thể cảm thấy nóng bức nên đạp tung chăn ra và sau đó lại dễ nhiễm lạnh. Trong những ngày lạnh như hiện nay, điều này rất nguy hiểm. Do đó, bố mẹ không có cách nào khác hơn là phải "ngủ tỉnh" để kịp thời đắp lại chăn cho con nhiều lần trong đêm. Nếu sơ ý, em bé dễ dàng viêm đường hô hấp, thậm chí viêm phổi.

 

Con cảm cúm vì bố mẹ chủ quan

 

Vì nghĩ con đã được mặc đủ ấm, nhiều bậc cha mẹ đưa con ra ngoài trong tình trạng đầu không đội mũ, không đeo khẩu trang, quần co lên đến nửa ống chân. Sự chủ quan này khiến nhiều trẻ em bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, viêm họng, nặng hơn là viêm phổi. Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khuyến cáo, ngoài phần ngực, cổ thì đầu, tai và chân là những bộ phận quan trọng cần giữ ấm để giúp bé tránh được cảm cúm.

 

Thời gian sáng sớm và tối là hai thời điểm lạnh nhất, do đó hạn chế để trẻ ra ngoài trời vào những thời điểm này. Khi cho trẻ đi học, cần chú ý bảo hộ cho những phần cơ thể dễ bị phơi ra gió, đội mũ kín tai, đeo khẩu trang và quàng khăn cho trẻ. Nên cho trẻ mặc loại quần chùng, để khi ngồi xe máy, buông xuống và vừa kín. Khi bế trẻ cũng cần lưu ý kéo quần trẻ xuống.

 

Phòng cảm lạnh cho bé không khó

 

Sự chủ quan khiến nhiều trẻ em bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, viêm họng, nặng hơn là viêm phổi

 

Khi trẻ một lần mắc bệnh hô hấp, sẽ có nguy cơ cao bệnh tái phát. Chúng ta không nên xem thường vì hô hấp tốt, khí thở đưa vào cơ thể trong sạch sẽ giúp cho các cơ quan khác hoạt động hiệu quả, mang lại sức khỏe tốt. Các bệnh cảm lạnh, hô hấp tuy không gây nguy hiểm tức thì, nhưng tái phát nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến phổi gây biến chứng như hen suyễn, viêm phế quản mãn tính... Phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh đường hô hấp trên cũng là một biện pháp phòng bệnh tích cực giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh.

 

Do đó, trong những ngày trời lạnh hoặc khi trời lạnh (sáng và tối khuya ở miền Nam), các bậc cha mẹ cần lưu ý:

 

- Ban ngày, cần cho trẻ mang tất đi trong nhà, mặc quần áo dài bằng chất liệu cotton thấm hút. Chú ý lau mồ hôi vì khi trẻ chơi thường đổ nhiều mồ hôi.

 

- Lấy dầu ấm xoa vào ngực, vào lưng, vào lòng bàn chân, sau đó mang tất vào cho trẻ trước khi đi ngủ. Có thể mang cho trẻ một cái yếm để giữ ấm ngực.

 

- Mặc cho trẻ bộ áo liền quần hoặc bộ body đóng bỉm đề phòng bé bị hở bụng. Nếu bộ áo liền quần bị ngắn chân, các mẹ có thể mặc thêm cho bé một quần dài. Tránh mặc quần áo quá dày và ấm khiến bé bị bức bối, nóng nực. Trẻ cũng có thể mặc áo gilê ngược để giúp bé ấm phần ngực bụng mà vẫn tránh được tình trạng mồ hôi lưng.

 

- Đặt trẻ nằm riêng một bên, tránh nằm giữa bố mẹ. Đắp một khăn bông to lên bụng con và sau đó đắp một chăn mỏng là vừa. Trẻ thường cảm thấy nóng hơn người lớn nên nửa đêm ngủ hay đạp chăn ra hoặc chòi lên trên cho thoáng. Do vậy cái khăn bông đặt lên bụng là rất quan trọng. Dù trẻ có cảm thấy nóng, đạp chăn ra thì vẫn có khăn bông che bụng.

 

- Quan trọng nhất là phòng ngủ của trẻ phải ấm, không có gió lùa.

 

- Chú trọng dinh dưỡng đầy đủ, nhất là thực phẩm chứa vitamin A (sữa, trứng gà, cà rốt, dầu cá...), thực phẩm giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi, chanh...), thực phẩm chứa kẽm (thịt nạc, hải sản, lòng đỏ trứng, các loại cá...). Đây là những thực phẩm giúp trẻ tăng đề kháng giúp trẻ phòng chống bệnh tốt.

 

Ngoài ra, bác sĩ Lộc cũng khuyên các phụ huynh nên thận trọng khi tắm cho con trong ngày lạnh: phòng tắm phải kín gió, nếu có điều kiện trang bị máy sưởi. Tắm từng phần cơ thể một cách nhanh chóng. Trẻ cũng cần được chú ý để ăn uống đủ năng lượng và vi chất nhằm đủ sức chống đỡ với sự khắc nghiệt của thời tiết. Nếu thấy trẻ bị ho, sốt, nên đưa đi khám bác sĩ để kịp thời điều trị.

 

Theo Thanh Trà

Bác sĩ gia đình