1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Để "lạm dụng rượu bia" không trở thành quốc nạn

(Dân trí) - Năm 2008, dự thảo Chính sách quốc gia Phòng chống tác hại của bia rượu sẽ được trình lên Chính phủ. Theo dự thảo này, mức tiêu thụ rượu bia sản xuất công nghiệp có độ cồn năm 2015 sẽ giảm tới 50% so với hiện nay.

Lạm dụng bia rượu - “Thiệt đơn thiệt kép”

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta tỷ lệ tâm thần do rượu chiếm 5% - 6% tổng số bệnh nhân có bệnh lý về thần kinh.

 

Qua điều tra về sức khoẻ vị thành niên và thanh niên (từ 14 - 15 tuổi) đã cho thấy: 69% nam và 28% nữ đã từng uống bia, rượu. Trong đó, 58% nam và 30% nữ đã từng say rượu.

 

Ở người trưởng thành, nhóm người sử dụng bia rượu nhiều nhất chính là cán bộ nhà nước, bộ đội, cán bộ làm trong các doanh nghiệp, người lao động tự do, cán bộ hưu trí và những người có trình độ học vấn từ Cao đẳng trở lên.

 

Theo cảnh báo của nhiều chương trình nghiên cứu xã hội, trong đó có Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, lạm dụng bia và nghiện rượu đã là vấn đề sức khoẻ và xã hội nghiêm trọng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại nhất là giới trẻ và có thể trở thành quốc nạn của Việt Nam với nhiều vấn đề xã hội như tan vỡ gia đình, lơ là công việc, thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông, hoả hoạn, chết đuối bạo lực, giết người và tử tự, gây rối trật tự xã hội...

 

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới , rượu bia có liên quan đến 3,2% tổng số tử vong trên thế giới và 4% người mắc bệnh tật có liên quan đến bia rượu (58,3 triệu/năm). Trong đó 1/3 số năm mất đi do tại nạn và bạo lực, hơn 1/3 do rối loạn tâm thần, còn lại liên quan đến các bệnh tật khác. Lạm dụng bia rượu thường dẫn đến rối loạn nghiêm trọng về não, thần kinh, gây hại cho gan, tim mạch và cơ. Đặc biệt, những bà mẹ có thai và cho con bú, nếu uống rượu sẽ gây tổn hại đến thai nhi và trẻ nhỏ.

 

Về mặt kinh tế, với mức tiêu thụ rượu bia được kiểm soát của mỗi người Việt (khoảng 20 lít/người/ năm – thống kê năm 2003), thì mỗi năm sẽ tiêu tốn tới 14.400 tỷ đồng trong khi đó, thu nhập của ngân sách do rượu chỉ đạt 30% con số này.

 

Giảm cung ắt sẽ giảm cầu?

 

Nhằm phòng chống tình trạng lạm dụng bia rượu đang diễn ra ngày càng phổ biến, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối kết hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Chính sách quốc gia Phòng chống tác hại của bia rượu giai đoạn 2007 - 2015.

 

Mục tiêu của chính sách này là nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của bia rượu đến sức khoẻ con người và kinh tế xã hội; tạo môi trường không khuyến khích hay ép buộc uống bia rượu, đặc biệt là nhóm tuổi trẻ, những nhóm người có nguy cơ lạm dụng và trở thành nghiện hoặc mắc các bệnh do bia rượu gây ra. Từ đó, thay đổi hành vi và tham gia vào các hoạt động làm giảm tác hại của rượu bia.

 

Dự thảo này sẽ đưa ra những biện pháp nhằm kiểm soát việc sản xuất kinh doanh rượu giả, rượu nhập lậu. Bên cạnh đó, mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, mắc bệnh, tai nạn thương tích và những tổn thất kinh tế xã hội khác đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng liên quan đến rượu bia.

 

Theo lộ trình, đến năm 2010 mức tiêu thụ rượu bia sản xuất công nghiệp có độ cồn từ 4,5 % trở lên giảm 30% và đến năm 2015 sẽ giảm 50% so với hiện nay. Mức tiêu thụ rượu dân tự sản xuất bình quân đầu người đến năm 2010 giảm 40% và đến năm 2015 giảm 60% so với hiện nay.

 

P. Thanh