Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu:
"Để hài lòng người bệnh trước hết là làm tận tâm, có trách nhiệm..."
(Dân trí) - "Sự hài lòng người bệnh không có nghĩa là chúng ta phải làm được mọi thứ... mà trước hết là hãy làm hết trách nhiệm, tận tâm, chu đáo nhất với người bệnh", Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu nhấn mạnh.
Đánh giá hoạt động của bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tại buổi tổng kết công tác ngành Y tế Bạc Liêu diễn ra chiều 29/1, ông Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho rằng, ngành Y tế với loại sản phẩm hết sức đặc biệt là cung cấp dịch vụ y tế, liên quan trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của con người. Do đó, việc quản lý, cải tiến, nâng cao chất lượng được xem là một yếu tố sống còn của tất cả các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo ông Tùng, sự khác biệt ở các bệnh viện đó chính là chất lượng, nơi nào được lãnh đạo đơn vị quan tâm đến việc thường xuyên đánh giá, để có kế hoạch cải tiến chất lượng, nhằm đáp ứng sự hài lòng người bệnh thì nơi đó chất lượng được nâng lên, thu hút đông đảo người bệnh đến khám, chữa bệnh.
"Khi có sự chấp nhận của nhiều người bệnh khi đến với bệnh viện thì sẽ thúc đẩy cho các hoạt động của bệnh viện phát triển", ông Tùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, tỉnh hiện có 3 bệnh viện và 7 trung tâm y tế áp dụng đánh giá chất lượng theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Trong 5 năm qua, các tiêu chí ở mức 1, mức 2 giảm rõ rệt, còn tiêu chí mức 3, 4 và mức 5 tăng lên theo từng năm, đây là mức tiêu chí có chất lượng khá, tốt và rất tốt.
Qua đánh giá bộ tiêu chí của Bộ Y tế cho thấy, trong năm 2020 nhiều đơn vị đã rất tích cực triển khai cải tiến chất lượng, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng được nhu cầu của người bệnh trong tỉnh. Từ đó, số điểm trung bình các tiêu chí của các đơn vị được tăng lên, từ mức chấp nhận được đến mức chất lượng tốt.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Bạc Liêu cũng cho rằng, vẫn còn một số đơn vị có cơ sở vật chất đã xuống cấp, nguồn thu khám chữa bệnh bị giảm, nguồn kinh phí cấp cho hệ dự phòng trễ, kinh phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ chậm được thanh toán... nên chế độ đãi ngộ, phụ cấp tăng thêm bị ảnh hưởng, kéo theo việc đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của các đơn vị y tế công lập gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó là các kế hoạch phát triển về chuyên môn kỹ thuật, nhất là kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu đòi hỏi phải có sự đầu tư về tài chính nên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu; đặc thù chuyên khoa ở một số đơn vị đạt mức thấp, do đội ngũ chuyên khoa chưa đáp ứng yêu cầu theo từng lĩnh vực;...
Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Phạm Văn Tùng cho rằng, các đơn vị y tế cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho tất cả cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên thấy được chất lượng tốt đồng nghĩa thu hút được người bệnh, sẽ tạo ra nguồn thu tốt, từ đó đời sống thu nhập được cải thiện.
"Ngược lại, nếu không thay đổi để có thể đáp ứng được tốt nhất sự hài lòng của người bệnh do chất lượng thấp, bệnh nhân không đến khám chữa bệnh thì hoạt động và phát triển của bệnh viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Tùng nhận định.
Thêm nữa, trước tình hình thông tuyến khám chữa bệnh BHYT hiện nay sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các cơ sở khám chữa bệnh nếu không cải tiến chất lượng để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
"Cũng cần phân biệt rõ sự hài lòng người bệnh không có nghĩa là chúng ta phải làm được mọi thứ như các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu… mà trước hết là chúng ta phải làm hết trách nhiệm với người bệnh.
Chúng ta hãy tận tâm chu đáo nhất trong điều kiện có thể, chắc chắn sẽ nhận được sự hài lòng từ người bệnh. Một khi người bệnh, người nhà hài lòng thì họ sẵn sàng nói lời cảm ơn, dù cho người bệnh có thể không qua khỏi", Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu chia sẻ.