Để da không nổi mụn chi chít, chị em cần biết điều này khi đắp mặt nạ

Nam Phương

(Dân trí) - Nghe mách đắp mặt nạ mật ong với trứng gà giúp làm trắng da, cô gái Hà Nội làm theo. Sau một thời gian, cô phải đi khám vì mặt mọc đầy mụn mủ, lý do chỉ vì không rửa mặt sạch sau khi đắp.

Tự chế mặt nạ để đắp từ các loại trái cây, rau củ như lá lô hội, dưa chuột, khoai tây, cà chua… được nhiều chị em lựa chọn. Đây là phương pháp rẻ tiền, nhiều người cho là an toàn vì hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, theo chuyên gia da liễu nếu không cẩn thận có thể làm tổn thương làn da và gây tác dụng phụ.

BS Đào Hữu Ghi, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cho biết ông từng điều trị cho một nữ bệnh nhân mọc mụn mủ chi chít trên mặt sau một thời gian đáp mật ong, với trứng gà. Bệnh nhân cho biết, thấy mọi người mách nhau đắp mặt nạ với 2 hỗn hợp này giúp làm trắng da nên chị làm theo. Tuy nhiên, sau một thời gian mặt chị bắt đầu mọc đầy mụn mủ. 

Để da không nổi mụn chi chít, chị em cần biết điều này khi đắp mặt nạ - 1

BS Đào Hữu Ghi, Bệnh viện Da liễu Trung ương. 

“Nguyên nhân là bệnh nhân đã không rửa mặt sạch sau khi đắp mặt nạ. Đây chính là môi trường cho vi khuẩn phát triển gây nên các nốt mụn mủ”, BS Ghi nói.

Bên cạnh đó, ông cũng gặp khá nhiều bệnh nhân đến khám vì bị dị ứng với lô hội. 

Ngoài ra, không phải loại trái cây nào cũng có thể dùng để đắp mặt nạ được. Chẳng hạn, trong dưa leo còn có chất keo nhựa nên người có làn da nhạy cảm không nên sử dụng. Những người có làn da nhờn có thể sử dụng các loại quả nhiều axit như cam để đắp hay rửa mặt vào mùa hè nhưng lại không nên dùng vào mùa đông.

Theo BS Ghi, mỗi người có một tuýp da khác nhau, người có làn da mẫn cảm rất dễ kích ứng với những chất có trong các loại này. Vì thế, kể cả đắp mặt nạ bằng những loại hoa quả tươi từ thiên nhiên như lá lô hội, dưa leo, trứng gà mật ong hay tinh nghệ vẫn có thể dị ứng nếu da bạn thuộc loại nhạy cảm. Nguy hiểm hơn nếu sản phẩm đắp lại không sạch, có khi là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn da mặt. 

Viêm da mụn mủ nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách có thể để lại những vết sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Thói quen nặn mụn không đúng cách, vệ sinh da mặt kém, không tiến hành điều trị mụn sớm và thường xuyên sờ tay lên da mặt khiến mụn có xu hướng sưng đỏ, to, gây hư hại, đứt gãy các sợi collagen, elastin trong hạ bì và trung bì.

Điều đáng ngại theo BS Ghi, hầu hết người bệnh đến viện đều đã ở trong tình trạng nặng. Vì thế, nếu thực sự muốn dùng chị em nên đến khám ở chuyên gia thẩm mỹ để xác định mình thuộc loại da nhờn hay khô, da nhạy cảm để được tư vấn lựa chọn phương pháp nào phù hợp. Ngoài ra, những loại “mặt nạ” tự chế này chỉ thực sự an toàn khi chị em biết chính xác những sản phẩm củ, quả an toàn (tốt nhất là sản phẩm do mình tự trồng).

“Và ngay cả khi đã biết sản phẩm an toàn, chị em cũng không tự ý đắp lên mặt ngay. Theo đó, chị em nên đắp thử lên vùng da mỏng bên trong cổ tay ít nhất 3 ngày liên tục, trước khi đắp lên mặt. Nếu không bị dị ứng, chị em mới mới đắp trên mặt”, BS Ghi cho biết. 

Chị em cần lưu ý bước làm sạch mặt trước và sau khi đắp mặt nạ, lưu ý không tẩy tế bào chết quá nhiều tránh làm tổn thương da, khiến da dễ bị mụn, kích ứng. Nếu thấy da bị kích ứng, nổi mụn chị em nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.