Để bàn tay bé được tự do
(Dân trí) - Một đứa trẻ thông minh nhạy bén thường có bàn tay khéo léo và nhanh nhẹn. Cha mẹ hãy là người giúp trẻ tự nhiên luyện tập, đừng vô tình hay cố ý cản trẻ.
Chức năng vận động của tay trẻ
Vận động của hai bàn tay trẻ diễn da một cách tự nhiên rồi trở thành thuần thục, không cần sự can thiệp của cha mẹ.
Trong 6 tháng đầu, bàn tay trẻ chưa thể làm gì được. Nếu đặt đồ vật vào lòng bàn tay, trẻ sẽ nắm chặt các ngón tay lại. Đó là phản xạ do tuỷ sống chỉ huy.
Từ tháng thứ 7 trở đi, trẻ có thể cầm nắm đồ vật, chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia, bắt chước các động tác vẫy chào, vỗ tay hoan hô, sử dụng các ngón tay, đặc biệt ngón cái và ngón trỏ có thể nhặt các đồ vật. Về sau, trẻ có thể đối chiếu ngón cái lên 4 ngón còn lại. Các vận động đó đều do trung não kiểm soát, ban đầu trẻ phải tập luyện nhiều lần, lâu dần các động tác trở lên thuần thục.
Khi trẻ lớn lên, hệ thần kinh Mylin hoá dần, vỏ não kết nối được với trung não và tuỷ sống, các vận động được vỏ não chỉ huy và kiểm soát trở lên có chủ ý, phù hợp với việc làm. Đến 3 tuổi, tay trẻ có thể thực hiện được nhiều động tác giống như người lớn.
Vận động của bàn tay trẻ kích thích tuỷ sống, trung não và đặc biệt là vỏ não phát triển, đứa trẻ dần dần chỉ huy được hành động, chế ngự được phản ứng, là cơ sở để hình thành trí tuệ. Đối với trẻ, việc cầm một hòn đá, sắp xếp một đồ vật, xé một tờ giấy, vẽ một vòng tròn, cầm được cốc nước, xúc được thìa cơm... đều là những phát kiến khiến trẻ vô cùng thú vị, giúp trẻ thêm tự tin, thúc đẩy trẻ tìm tòi cái mới, tạo cho trẻ mở rộng thêm kinh nghiệm.
Chức năng cảm giác của tay trẻ
Ngoài chức năng vận động, bàn tay trẻ còn đóng vai trò như một giác quan để cảm nhận thế giới tự nhiên thông qua việc sờ mó các đồ vật. Khi nhìn thấy một đồ vật, bao giờ trẻ cũng tò mò muốn sờ xem nó to nhỏ, nóng lạnh, cứng mềm, góc cạnh, nặng nhẹ... ra sao, rồi sau đó đặt ra các câu hỏi theo trí tưởng tượng của trẻ. Chức năng cảm giác khi sờ mó đồ vật của hai bàn tay có tác kích thích thị giác, thính giác, khứu giác cùng phát triển, làm cho não trẻ ngày càng hoàn thiện.
Lời khuyên dành cho cha mẹ
- Không nên đi tất tay cho trẻ dưới một tuổi: Cha mẹ thường hay lo bàn tay trẻ bị lạnh, móng tay cào xước da mặt, cho tay vào mồm làm mất vệ sinh... nên bất kể trời nóng cũng như lạnh, thường đi găng tay cho bé. Như vậy, vô tình đã làm tay trẻ mất tự do, hạn chế vận động và cảm giác, não trẻ chậm phát triển hơn bình thường.
- Để trẻ tự do sờ mó các đồ vật: Cha mẹ đừng quá lo lắng giữ gìn vệ sinh và bảo vệ an toàn cho trẻ mà không dám để trẻ sờ mó vào các đồ vật ngoài đồ chơi. Trẻ có thể bẩn tay một chút, có thể bị đau tay một vài lần, nhưng lại giúp bé có thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức về thế giới tự nhiên xung quanh, nhờ đó não trẻ ngày càng phát triển và hoàn thiện. Chỉ nên giữ trẻ không đụng chạm phải những đồ vật nguy hiểm như lửa, nước nóng, dao, ổ điện...
- Để trẻ tự do làm những việc trẻ thích: Hệ thần kinh ở trẻ chưa được Mylin hoá hoàn toàn nên bàn tay của trẻ còn vụng về, vận động thường chưa có chủ ý, trẻ có thể làm hỏng việc, nhưng đừng vì thế mà cha mẹ ngăn cản không cho bé làm. Hãy nhớ rằng, từ những vấp ngã, những đổ vỡ của ngày hôm nay mới có được những thành công của ngày mai, mới giúp trẻ có thêm niềm tin mạnh bạo bước vào đời, sống tự lập, không ỉ lại.
- Khuyến khích trẻ làm việc: Mỗi khi thấy trẻ bắt đầu có một hành động mới, cha mẹ cần khuyến khí và tạo điều kiện để bé thực hiện hành động ấy. Thấy trẻ cầm được thìa thì nên đưa cho trẻ bát cơm để tập xúc, thấy trẻ vẽ được vòng tròn thì nên đưa tờ giấy và bút chì để trẻ vẽ.
BS Trần Văn Phúc
BV Xanh Pôn