Dễ bại liệt nếu sơ cứu sai
(Dân trí) - Mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 20 ca tai nạn sinh hoạt dẫn đến chấn thương cột sống. Trong đó, có rất nhiều trường hợp bại liệt hay không là do thao tác khi sơ cứu ban đầu.
Chỉ trong ngày 19/11, khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện đã tiếp nhận 4-5 ca tai nạn sinh hoạt gây chấn thương cột sống dẫn đến liệt cả hoặc nửa người.
Cụ thể, hồi 13h khoa tiếp nhận nam bệnh nhân V.S.C (31 tuổi, ở Vị Xuyên - Hà Giang) trong tình trạng mất cảm giác hoàn toàn 2 chi dưới, có cơn ngừng thở do chấn thương đốt sống cổ, vỡ đốt C4, trật đốt C5. Nguyên nhân là do anh C bị ngã từ suối cao 3m, nhưng người nhà lại đưa về nhà tự chăm sóc, 4 ngày sau khi tình trạng nặng thêm mới đưa tới bệnh viện để cấp cứu.
16h, bệnh nhân N.D.T (36 tuổi, ở Hạ Long - Quang Ninh) nhập viện trong tình trạng liệt tuỷ hoàn toàn, không thể cử động do mất cảm giác. Người nhà bệnh nhân cho biết: Trong lúc khai thác gỗ trên rừng anh T bị ngã đập cổ vào cây. Chỉ sau cú va chạm này, anh không thể cử động được nữa.
23h khoa tiếp nhận thêm bệnh nhân bà N.T.B.M (50 tuổi, ở Thượng Đình - Thanh Xuân- Hà Nội). Bà M bị ngã từ tầng 2 xuống đất, bị chấn thương cột sống. Tuy nhiên do bà M không bị dập tuỷ hoặc vỡ đốt sống, lại được sơ cứu kịp thời rồi đưa ngay đến viện cấp cứu nên không bị liệt . Bà M đã được các bác sĩ cố định cột sống, sử dụng biện pháp giải ép. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải nằm bất động trong nhiều ngày.
Theo các bác sĩ , chấn thương cột sống thường dễ gây ra các tai biến như dập tủy, chảy máu tủy dẫn đến liệt tạm thời hoặc hoàn toàn. Nếu cố định cột sống bị tổn thương và vận chuyển bệnh nhân không đúng sẽ làm cho tủy sống tình trạng tổn thương thêm nặng nề. Chính vì vậy, khi gặp các tai nạn này người nhà bệnh nhân nên giữ nguyên trạng thái ban đầu của nạn nhân rồi nhờ đến sự trợ giúp của các y tá có chuyên môn. Sau đó, phải chuyển ngay nạn nhân đến các bệnh viện chuyên khoa để cấp cứu và điều trị nội khoa tích cực (chống phù tủy, cầm máu, dự phòng bội nhiễm, tăng cường dẫn truyền thần kinh, tăng cường dinh dưỡng) kết hợp với vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
P. Thanh