ĐBSCL: Ngành hiếm trong lĩnh vực y tế… đỏ mắt tìm thầy thuốc

(Dân trí) - Nhiều năm qua, các địa phương ở khu vực ĐBSCL nỗ lực đào tạo nhân lực lĩnh vực y tế nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, các tỉnh, thành đang “đỏ mắt” tìm các thầy thuốc có chuyên ngành, như: lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y…

Trải thảm đỏ… vẫn không tìm được người

Theo con số thống kê mới đây của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, bên cạnh những kết quả đạt được trong đào tạo nhân lực, vùng ĐBSCL hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, toàn vùng vẫn còn 332/1.611 xã chưa có bác sĩ, bình quân chỉ có 5,1 bác sĩ/vạn dân (so với bình quân chung cả nước là 7,5 bác sĩ/vạn dân)... 

Nhân lực y tế thiếu là vậy, tuy nhiên vấn đề được các tỉnh, thành trong khu vực quan tâm và khá “bức xúc” chính là nhân lực y tế ở 5 chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y) hiện đang thiếu trầm trọng. Qua khảo sát tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL, giai đoạn 2014 - 2015 cần đào tạo 961 bác sĩ 5 chuyên ngành hiếm nói trên. Trong đó, năm 2014 cần 451 bác sĩ; năm 2015 cần 510 bác sĩ, chưa kể nhu cầu đào tạo sau ĐH của các địa phương. Đơn cử như tỉnh Kiên Giang cần khoảng 94 bác sĩ, An Giang 57 bác sĩ, Sóc Trăng cần 48 bác sĩ. Riêng TP Cần Thơ ở các quận trung tâm do có nhiều bệnh viện trung ương và địa phương nên đảm bảo số bác sĩ các chuyên ngành hiếm nhưng ở tuyến y tế cơ sở vẫn thiếu

Tại các tỉnh thành khu vực ĐBSCL 5 ngành hiếm, như: lao,
Tại các tỉnh thành khu vực ĐBSCL 5 ngành hiếm, như: lao,lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh đang thiếu nhân lực trầm trọng (ảnh minh họa)

Nguyên nhân 5 chuyên ngành hiếm: lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh đang thiếu nhân lực là có rất ít người học, thậm chí không có người đi học vì thiếu cơ chế, chính sách. Đa số thí sinh khi lựa chọn ngành nghề nghiệp đều nhắm đến ngành có thu nhập cao, ổn định, công việc nhẹ nhàng… trong khi 5 chuyên ngành hiếm vừa độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, lại khó làm thêm và thu nhập thấp nên không ai lựa chọn! Chia sẻ tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL do BCĐ Tây Nam Bộ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tổ chức, ông Văn Công Minh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, thông tin: Theo con số thống kê, tỷ lệ người chết do bệnh lao còn cao hơn so với bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên suốt 20 năm nay, tỉnh chỉ có 2 bác sĩ lao phục vụ vì không tuyển được người, còn đưa đi học thì không có nguồn...

Trong những năm qua, BCĐ Tây Nam Bộ và Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên đến nay nhân lực y tế nói chung và nhân lực ở 5 chuyên ngành hiếm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân là một số địa phương chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ người đi học theo địa chỉ sử dụng. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên người học phải tự túc. Bên cạnh đó các tỉnh gặp phải khó khăn là tuyển không có người và giữ chân cán bộ công tác lâu dài tại đơn vị càng khó hơn.

Việc đào tạo nhân lực y tế theo địa chỉ sử dụng ở ĐBSCL hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu của các tỉnh, thành. Năm 2014 có 172 bác sĩ, dược sĩ được đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng đã tốt nghiệp và 436 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hệ liên thông và hệ vừa học vừa làm tốt nghiệp, về địa phương công tác… Theo ông Võ Trọng Hữu, đối với xét tuyển ngành Y, điểm xét tuyển quá cao, như năm 2014 điểm xét tuyển ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Dược TP HCM là 24 điểm, Dược đại học 23 điểm. So với điểm đầu vào nhiều trường đào tạo ngành y là quá cao, nên không đủ nguồn xét tuyển...

Cần cơ chế đặc thù

Từ khi có Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai thực hiện Cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ đã từng bước đưa vùng thoát khỏi “vùng trũng”. Đặc biệt, trước tình trạng thiếu hụt nhân lực ở các địa phương, BCĐ Tây Nam Bộ đã phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng có sáng kiến, đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực trong vùng, được Bộ GD&ĐT đồng thuận, phối hợp triển khai thực hiện.

Trong đó việc đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các địa phương trong vùng ĐBSCL là hết sức cấp bách. Vấn đề đặt ra là làm sao thu hút nhân lực, tuyển được người có năng lực và đảm bảo chỉ tiêu. Bởi y tế là ngành đặc thù, đòi hỏi người học phải có trình độ và phải có nhiều nỗ lực. Việc học rất cực khổ, tốn kém, trong khi mức lương sau khi ra trường thì cào bằng so với ngành khác. Vì thế, cần có cơ chế chính sách cho cán bộ y tế, nhất là những người học các chuyên ngành hiếm.

Tại các tỉnh thành khu vực ĐBSCL 5 ngành hiếm, như: lao,
Nguyên nhân các ngành hiếm, như lao, tâm thần... thiếu là vì ít có người theo học, vì công việc nguy hiểm, không làm thêm, cơ chế còn chưa thoáng... (ảnh minh họa)

Thời gian qua đã có nhiều địa phương thực hiện chính sách thu hút nhân lực khá “hậu hĩnh”, tuy nhiên vẫn chưa thật sự đủ sức hút với nhân lực y tế. Như tỉnh Bạc Liêu có quy định tiến sĩ về địa phương công tác sẽ được thưởng nóng 500 triệu đồng và hỗ trợ nhà công vụ; sinh viên học bác sĩ đa khoa đạt loại giỏi sẽ được hỗ trợ 100% học phí... Thế nhưng, mỗi năm, tỉnh có 50 - 60 sinh viên chính quy ra trường nhưng hầu như không ai về quê công tác bởi các bệnh viện ở tuyến trên như TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh đã thu hút hết cán bộ giỏi.

Trước tình hình “khát” nhân lực y tế ở các chuyên ngành hiếm, ông Võ Trọng Hữu - Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội BCĐ Tây Nam Bộ, cho biết: “Với cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực khu vực Tây Nam Bộ, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cho phép tăng chỉ tiêu lên 20 - 25% đối với ngành Khoa học sức khỏe và 25 - 30% đối với các ngành khác cho khu vực Tây Nam Bộ… Đối với lĩnh vực y tế, nhiều tỉnh, thành và các trường cùng đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế giao cho ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo hệ chính quy và liên thông theo địa chỉ sử dụng với số lượng 314 bác sĩ ở 5 chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y)... Đặc biệt cần có cơ chế chính sách cho các tỉnh trong vùng để có thể đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực y tế, nhất là các chuyên khoa hiếm.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL vừa qua đã đề xuất các Bộ, ngành và các trường tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đào tạo liên thông. Bên cạnh đó cần phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cũng như chính sách thu hút nguồn nhân lực của địa phương thật hấp dẫn mới có thể tuyển và giữ chân cán bộ y tế phục vụ lâu dài. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực từng địa phương, cần sự vào cuộc của trung ương với chính sách ưu đãi cán bộ y tế và kèm theo là chế tài làm sao cán bộ sau khi học phải về phục vụ địa phương.

Theo GS.TS Phạm Văn Lình - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, năm 2015 trường tiếp tục được giao chỉ tiêu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm (tâm thần, lao, phong, giải phẫu bệnh và pháp y) để chủ động xét tuyển. Trước mắt không nên mở mã ngành đào tạo riêng cho từng chuyên ngành này mà nên đào tạo chung theo chương trình đào tạo Bác sĩ đa khoa. Sau tốt nghiệp, bác sĩ sẽ tiếp tục được đào tạo chuyên khoa theo quy định về chứng chỉ hành nghề… GS.TS Phạm Văn Lình cũng đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan xem xét tăng kinh phí cho đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe vì chi phí đào tạo tốn kém nhiều hơn so với ngành khác (các ngành khác là 6 triệu đồng/sinh viên/năm học). Mặc khác giảng viên quy đổi của trường ĐH Y Dược chỉ được tính cho 15 sinh viên, trong khi các trường khác khoảng 25 - 30 sinh viên…

 Nguyễn Hành