Đấu thầu tập trung: “Cần xem xét động cơ của người muốn nắm quyền”
(Dân trí) - Thay vì thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Thăng, chuyển quyền tự chủ đấu thầu về cho các bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế lại triệu tập lãnh đạo các bệnh viện để biểu quyết. “Nếu không có sân trước sân sau trong đấu thầu, chẳng ai muốn ôm khư khư nhiệm vụ này.”
Làm sai, yếu kém vẫn tham quyền
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ năm 2013, Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu tập trung thuốc và trang thiết bị y tế do Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công trực thuộc sở tiến hành. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, việc đấu thầu tập trung đã bộc lộ quá nhiều hạn chế.
Tại buổi làm việc giữa UBND thành phố và Bộ Y tế cùng các ban ngành liên quan (ngày 6/3) BS Phan Văn Báu, Giám đốc bệnh viện Nhân Dân 115 chỉ ra: “Suốt 3 năm qua bệnh viện không mua thêm được trang thiết bị nào.” Tiếp đó, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí Bí thư Đinh La Thăng cho biết, bệnh viện huyện Củ Chi nhắn tin cho ông rằng vì vướng cơ chế đấu thầu tập trung nên bệnh viện đã xây dựng 3 năm nhưng chỉ có phần vỏ mà không có ruột vì không mua được trang thiết bị. Đây cũng là tình trạng chung của các bệnh viện trên địa bàn nhiều năm qua.
Riêng lĩnh vực đấu thầu thuốc, câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” đã bị phanh phui khi Bộ công an vào cuộc điều tra làm rõ nhiều mặt hàng của Công ty VN Pharma là những loại thuốc giả, thuốc không có số đăng ký chất lượng nhưng vẫn trúng thầu. Việc đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện trước đây là do Sở Y tế quản lý, nhưng khi chuyển sang đấu thầu tập trung thì Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm mua sắm nên xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Tuy nhiên, sau khi Bí thư Thăng chỉ đạo chuyển quyền tự quyết đấu thầu về cho các bệnh viện để chấm dứt tình trạng tiền của bệnh viện nhưng Sở đi đấu thầu thì ngày 8/3, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã triệu tập lãnh đạo các bệnh viện để tìm cách đối phó. Ông Bỉnh cho rằng việc đấu thầu tập trung là chủ trương của UBND thành phố nhằm tránh các tiêu cực và tạo ra giá thuốc hợp lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cuộc “họp kín” đã không thể hiện tính dân chủ khi Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải ký vào phiếu lấy ý kiến về việc ủng hộ đấu thầu tập trung hay muốn tự đấu thầu.
Đại diện một bệnh viện (xin giấu tên) cho biết: “Sau 3 năm triển khai đấu thầu tập trung, chúng tôi không thể mua sắm được trang thiết bị, tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn. Hầu hết các bệnh viện đều muốn tự đấu thầu nhưng mọi người đều biết chủ đích của Giám đốc sở nên chẳng ai dại mà lộ mặt phản đối. Riêng một số bệnh viện tự chủ về mặt tài chính thì thẳng thắn đề nghị tự chủ đấu thầu.”
Động cơ nào khiến các bên muốn nắm quyền đấu thầu?
Trao đổi với phóng viên, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc phục trách lĩnh vực Dược của Sở Y tế cho biết: “Năm 2007, khi mới nhận chức, tôi đã được chỉ đạo triển khai đấu thầu tập trung. Một nhóm cán bộ đã được cử đi học tập mô hình ở những tỉnh bạn đã triển khai mô hình này. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã cân nhắc mặt lợi và mặt hại nên đề xuất tạm dừng kế hoạch.
Tuy nhiên, đến năm 2013 Phó chủ tịch UBND thành phố đương nhiệm khi đó là đồng chí Hứa Ngọc Thuận đã quyết định triển khai đấu thầu tập trung mà không cần lấy ý kiến của các bệnh viện. Thành phố đã có quyết định vội vàng trong việc đồng loạt áp giá đấu thầu tập trung, bởi nhân sự thực hiện vừa thiếu lại quá yếu kém, cơ chế hoạt động không rõ ràng. Đấu thầu tập trung thực tế chưa chứng minh được tính hiệu quả, con số 1.400 tỷ được báo cáo là lợi ích từ việc đấu thầu, thực tế chỉ là khoản chênh lệch giữa giá lập kế hoạch và giá trúng thầu.”
PGS Phong Lan phân tích: “Việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có chỉ đạo chung, trao quyền tự quyết trong lĩnh vực đấu thầu cho các bệnh viện thì nguyên tắc Sở Y tế phải thực hiện chỉ đạo, trên cơ sở chờ kết luận cuộc họp của UBND thành phố, sau đó có báo cáo góp ý, tham mưu về lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, hành động triệu tập lãnh đạo các bệnh viện để tổ chức họp lấy ý kiến trên hình thức ký vào phiếu khảo sát của Sở Y tế theo yêu cầu đồng ý đấu thầu tập trung hay ủng hộ đấu thầu riêng lẻ chẳng khác gì mang chỉ đạo của Bí thư Thành ủy ra để nhận xét đúng hay sai.”
Mặt khác, cuộc họp của Sở Y tế chẳng khác gì làm khó bệnh viện, không có bệnh viện nào dại dột chống lại chủ ý của Giám đốc Sở và cũng không ai dại vỗ ngực mình để xin tự đấu thầu vì lỡ có vấn đề xảy ra họ phải lãnh trách nhiệm, chưa kể đến hệ lụy sẽ bị thanh kiểm tra thường xuyên về sau. Nếu đã lấy ý kiến thì nên bỏ phiếu kín nhưng cách Sở yêu cầu giám đốc các bệnh viện phải ký tên thì rõ ràng là không khách quan.
Ý kiến khác của một vị lãnh đạo ngành y tế cũng chỉ ra: “Việc đấu thầu thuốc và vật tư trang thiết bị y tế công dù là tập trung hay riêng lẻ nếu thực hiện minh bạch thì đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Nhưng nếu làm ăn bất chính thì rất dễ sinh ra lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân từ những khoản hoa hồng được các hãng dược lobby. Lẽ hiển nhiên khi đã có “quyền sinh quyền sát” trong tay thì Trung tâm đấu thầu sẽ có quyền quyết định đơn vị trúng thầu.”
Vị lãnh đạo trên thẳng thắn: “Hành động của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh những ngày qua cho thấy ông ta không muốn rời bỏ vị trí Giám đốc Trung tâm đấu thầu nên cần phải xem xét lại động cơ của ông Bỉnh là gì. Nếu không có sân trước, sân sau trong đấu thầu, chẳng ai muốn ôm khư khư nhiệm vụ khó khăn này. Mặt khác, với những bệnh viện muốn đấu thầu riêng lẻ cũng cần phải xem xét các vấn đề liên quan. Nếu đấu thầu là vì lợi ích của người bệnh và thuận lợi hơn cho công tác chuyên môn thì nên sớm trao quyền tự chủ trong đấu thầu cho họ.”
Vân Sơn