Đau ngực: Khi nào là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim?

Hà An

(Dân trí) - Cảm giác nóng rát âm ỉ trong ngực bạn dường như không hề thuyên giảm mà thậm chí còn có cảm giác ngày càng tồi tệ hơn. Đó có phải là một cơn đau tim hay do nguyên nhân khác?

Đó là một câu hỏi mà hàng triệu người phải đối mặt mỗi năm. Vấn đề là đau ngực có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác ngoài cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim, từ viêm tụy đến viêm phổi hoặc cơn hoảng loạn.

Theo Trường Y Harvard, hàng triệu người Mỹ bị đau ngực phải nhập viện cấp cứu mỗi năm. Chỉ 20% trong số họ được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim hoặc một cơn đau thắt ngực không ổn định, dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim có thể sớm xảy ra.

Một số ít gặp vấn đề khác có khả năng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như tắc mạch phổi (cục máu đông trong phổi) hoặc bóc tách động mạch chủ (rách lớp bên trong của động mạch chủ).

Một số người gặp phải chứng đau thắt ngực thường xuyên, xảy ra khi một phần của tim không nhận đủ lượng máu giàu oxy cần thiết trong thời gian gắng sức hoặc căng thẳng về cảm xúc. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ đều mắc bệnh không liên quan đến tim hoặc động mạch.

Đau ngực: Khi nào là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim? - 1

Đau do cơn đau tim không chỉ giới hạn ở khu vực xung quanh tim, những vị trí điển hình nhất được đánh dấu bằng màu đỏ sẫm, màu đỏ nhạt cho thấy các khu vực có thể khác (Ảnh: Harvard).

Vấn đề rắc rối khác với các cơn đau tim là mỗi người sẽ trải nghiệm chúng theo những cách khác nhau. Một số người bị đau ngực kinh điển. Những người khác bị đau hàm hoặc đau lưng. Trong khi nhiều người khác bị khó thở, cực kỳ mệt mỏi hoặc buồn nôn.

Đau ngực và triệu chứng của cơn đau tim

Đau ngực chỉ là một trong những dấu hiệu có thể xảy ra của cơn đau tim sắp xảy ra. Nếu bạn nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây ở bản thân hoặc người khác, hãy gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

- Cảm thấy áp lực khó chịu, bị ép, nóng rát, căng tức hoặc đau ở giữa ngực.

- Đau, tê, châm chích hoặc các cảm giác khó chịu khác ở một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày.

- Hụt hơi.

- Buồn nôn hoặc nôn đột ngột.

- Chóng mặt.

- Mệt mỏi bất thường.

- Nóng bừng hoặc đổ mồ hôi lạnh.

- Đột ngột nặng nề, yếu hoặc đau nhức ở một hoặc cả hai cánh tay.

Trong đó, triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất của nhồi máu cơ tim là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại.

Cơn đau làm cho chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở cũng thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực.

Mức độ có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau kéo dài trên 20 phút.

Các bác sĩ sử dụng một số thông tin để xác định ai bị và không bị đau tim. Ngoài việc mô tả các triệu chứng và nguy cơ tim mạch của bạn, các bác sĩ còn sử dụng kết quả của điện tâm đồ và xét nghiệm máu gọi là troponin. Nhưng đôi khi những điều này không ngay lập tức cho thấy sự bất thường.

Vì vậy, những gì bạn mô tả với bác sĩ và tiền sử bệnh của bạn là vô cùng quan trọng trong việc xác định các bước ban đầu trong quá trình điều trị.

Triệu chứng đau ngực và ý nghĩa của chúng

 Có nhiều khả năng bị đau tim Ít có khả năng bị đau tim
Cảm giác đau, hoặc tăng áp lực, căng cứng, ép, đè nặngCơn đau nhói do thở hoặc ho 
Cơn đau khởi phát dần dần trong vài phútCơn đau đột ngột chỉ kéo dài vài giây
Đau lan tỏa, bao gồm đau liên tục ở giữa ngựcĐau rõ ràng ở một bên cơ thể
Đau lan đến cánh tay trái, cổ, hàm hoặc lưngĐau khu trú ở một điểm nhỏ
Đau hoặc tăng áp lực, nặng ngực kèm theo các dấu hiệu khác như khó thở, đổ mồ hôi lạnh hoặc buồn nôn đột ngộtCơn đau kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày mà không có bất kỳ triệu chứng nào khác
Đau hoặc tăng áp lực, nặng ngực xuất hiện trong hoặc sau khi gắng sức hoặc căng thẳng về cảm xúc (đau tim) hoặc khi bạn đang nghỉ ngơi (đau thắt ngực không ổn định)Đau hơn khi ấn vào ngực hoặc khi chuyển động cơ thể

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim

Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào.

Từ khoảng 30 tuổi, trong cơ thể chúng ta bắt đầu tiến trình hình thành và phát triển mảng xơ vữa. Quá trình này diễn ra từ vài năm đến vài chục năm. Một số yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường góp phần thúc đẩy tổn thương mạch máu theo thời gian.

Chính những rối loạn này làm thành mạch máu dễ bị các phân tử cholesterol lắng đọng và bám vào.

Nơi mảng xơ vữa bám vào thành mạch bị viêm, đến một thời điểm mảng xơ vữa này bị bong tróc và nứt vỡ thúc đẩy hình thành cục máu đông làm bít tắc lòng mạch máu. Khi lòng mạch bị bít tắc dẫn đến vùng cơ tim phía sau không được đưa máu đến nuôi hậu quả gây hoại tử và chết vùng cơ tim đó gây nên nhồi máu cơ tim.

Lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm, bên cạnh đó áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim.

Ai là người dễ bị nhồi máu cơ tim?

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), những đối tượng nguy cơ cao dễ bị đau tim là:

- Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50, tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.

- Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại.

- Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai bị nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái bị nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.

- Những bệnh nhân đái tháo đường, những trường hợp này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.

- Những người có các yếu tố nguy cơ cao khác như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực.