Đầu năm nhiều trẻ vào viện
(Dân trí) - Theo thống kê từ các bệnh viện, trong mấy ngày đầu năm vừa qua, số trẻ nhập viện do bỏng, nuốt phải dị vật và mắc các bệnh hô hấp gia tăng mạnh.
Bố mẹ bất cẩn con gánh hoạ
Sáng 12/2 (tức mùng 6Ttết) các bác sĩ khoa Bỏng trẻ em - Bệnh viện Bỏng Quốc Gia tiếp nhận một cháu bé 2 tuổi ở Bắc Ninh trong tình trạng bỏng nặng toàn thân. Tai nạn xảy ra khi mẹ cháu chạy ra ngoài tiếp khách, quên mất cậu con trai vừa mới biết đi vẫn còn ở trong bếp. Không có người trông nom, cháu đã kéo đổ ụp nồi canh măng vừa mới nấu (để trên bàn ăn) vào người. Các bác sĩ cho biết, cháu bé này sẽ phải điều trị trong một thời gian rất dài và vĩnh viễn mất đi một phần sức khoẻ.
Theo GS.TS. Lê Văn Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc Gia, trong những ngày Tết vừa qua, mỗi ngày Viện tiếp nhận 8 - 10 bệnh nhân thì có đến hơn nửa là trẻ em. Nguyên nhân chính của những tai nạn bỏng trẻ em đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn. “Ngày Tết, các cháu nhỏ được nghỉ ở nhà nhưng người lớn lại bận nấu nướng nhiều món cỗ bàn nên đã lơ là, để các cháu lại gần khu vực bếp. Với bản tính vốn hiếu động, tò mò các cháu sẽ sờ mó vào bất cứ thứ gì nhìn thấy nên tai nạn rất dễ xảy. Đã có cháu nhúng cả tay vào chảo dầu đang sôi!”, TS Năm nói.
Theo các bác sĩ, trường hợp trẻ bị tai nạn do sưởi ấm cũng đã xảy ra. Do máy sưởi thường hở (để toả nhiệt) lại để gần chỗ ngồi hoặc nằm nên có cháu nhỏ do bố mẹ lơ là đã để bé bò đến gần rồi thò tay vào bên trong gây bỏng.
Trong những ngày đầu năm, khoa Cấp cứu của Viện Tai Mũi Họng TƯ (Hà Nội) cũng liên tục tiếp nhận các ca bệnh trẻ em từ 1 - 5 tuổi bị mắc dị vật đường thở, do nuốt phải các loại hạt như hạt dẻ cười, hạt dưa, ô mai…Nguyên nhân cũng do ngày Tết, gia đình nào cũng sẵn những món đãi khách, lại để sẵn bên ngoài, trẻ nhỏ thấy đã nhét vào miệng, mũi rồi bị sặc hoặc hóc.
Trường hợp của bé Vũ Minh Đức (1 tuổi, ở Hà Nội) là một điển hình. Bé Đức đã nhét vỏ hạt dẻ cười mà người lớn bỏ lại ở phòng khách, cho vào miệng. Gia đình phát hiện được đã tìm cách móc họng bé nhưng càng làm dị vật chui sâu vào cổ họng khiến bé tím tái, vã mồ hôi. Rất may là bé được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã bảo toàn được tính mạng.
Rét kéo dài, Viện nhi quá tải
Bệnh viện Nhi TƯ cũng cho hay, thời gian này Viện phải tiếp nhận số lượng bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hoá tăng vọt.
"Bệnh hen, viêm phế quản cấp do siêu vi và tiêu chảy gặp nhiều nhất, do thời tiết lạnh buốt kéo dài khiến sức đề kháng của trẻ giảm sút tạo điều kiện cho bệnh phát triển", BS Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ nói.
BS Lộc cũng cho biết, bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu do vi rút Varicella zoster đã bắt đầu xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi, hoặc trẻ chưa được tiêm phòng thuỷ đậu. Loại bệnh này thường xuất hiện trong mùa xuân và chấm dứt khi chớm hè.
Thuỷ đậu tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhưng sẽ để lại những vết sẹo rỗ xấu xí nếu người lớn không biết cách chăm sóc, để trẻ bị bội nhiễm (nhiễm trùng).
Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện trẻ bị thuỷ đậu: sốt nhẹ, trên da xuất hiện các chấm đỏ, bắt đầu từ đầu, mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân; gây cảm giác ngứa rát khiến trẻ hay gãi... cần tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ để được kịp thời dùng thuốc, nhằm khống chế sự lây lan của bệnh.