Đậu mùa khỉ trở thành bệnh lưu hành, cần làm gì để tránh?

Nam Phương

(Dân trí) - Việt Nam đã ghi nhận 56 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, hầu hết là nam giới. Mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng vì thế bất cứ địa phương nào cũng có thể xuất hiện ổ dịch.

Theo thống kê, đến nay, Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 7 tỉnh, thành phố. Đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay, nước ta liên tục ghi nhận các ca bệnh.

Hầu hết ca bệnh là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (chiếm 78,6%), dị tính (8,9%). Khoảng 63% đang nhiễm HIV, 46% mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng. Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TPHCM.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, đậu mùa khỉ đã trở thành bệnh lưu hành, vì thế, bất kỳ địa phương nào, thời điểm nào cũng có thể xuất hiện ổ dịch. Rất may đường lây truyền của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp, đường máu, không lây qua hô hấp nên bệnh sẽ không gây dịch mạnh mẽ như cúm hay Covid-19. 

Đậu mùa khỉ trở thành bệnh lưu hành, cần làm gì để tránh? - 1

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: N.Phương).

"Với đường lây truyền này, những hành vi nguy cơ cao là quan hệ tình dục với người đang mang mầm bệnh, có vết loét ở vùng sinh dục, lây tương đối mạnh. Vì thế, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với người bình thường", BS Cấp cho biết. 

Ngoài ra, nhóm này cũng có nguy cơ cao nhiễm HIV nên đôi khi gặp tình trạng đồng nhiễm đậu mùa khỉ và HIV. 

Đậu mùa khỉ lây truyền qua tiếp xúc trong đó có quan hệ tình dục, nên một người quan hệ với nhiều bạn tình thì xác suất không may gặp phải bạn tình mang virus đậu mùa khỉ nhiều hơn bình thường. 

Theo bác sĩ, với người khỏe mạnh, bệnh diễn biến tương đối lành tính, chỉ cần cách ly tốt, điều trị bội nhiễm nếu có, sau 21 ngày người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn.

Trong giai đoạn điều trị, để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh thì người chăm sóc cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ vết loét bằng cách sử dụng găng tay, khẩu trang, rửa tay thường xuyên. 

Với những trường hợp có sức đề kháng bình thường thì tiên lượng bệnh tốt, không gây bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nặng ở những người có sức đề kháng kém. 

Đậu mùa khỉ trở thành bệnh lưu hành, cần làm gì để tránh? - 2

Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến cáo, bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng. 

Cụ thể:

- Tránh tiếp xúc trực tiếp da, tiếp xúc đối diện hoặc miệng với da.

- Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, bề mặt, ga giường, khăn tắm và quần áo.

- Đeo khẩu trang nếu bạn cần tiếp xúc gần với người có triệu chứng, khi chạm vào ga giường, khăn và quần áo. 

- Hỏi đối phương có triệu chứng hay không trước khi có tiếp xúc gần. 

- Bao cao su có thể không ngăn ngừa được lây truyền bệnh đậu mùa khỉ khi quan hệ tình dục, nhưng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác. 

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ gồm: 

- Sưng hạch bạch huyết. 

- Sốt.

- Phát ban với mụn nước trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng, bộ phận sinh dục. 

- Đau đầu, đau cơ và đau lưng. 

- Yếu sức. 

Bệnh đậu mùa khỉ diễn biến qua các giai đoạn sau:

- Giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 6 đến 13 ngày, (dao động từ 5 đến 21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

- Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

- Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày.

- Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi. 

Tuy nhiên, từ năm ngoái, thế giới ghi nhận số ca bệnh tăng lên, đặc biệt là một số quốc gia châu Âu. 

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.