Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu và khi đã tiến triển

Hà An

(Dân trí) - Ung thư dạ dày thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng khá mơ hồ. Khi bệnh đã tiến triển, người bệnh có thể thấy máu trong phân, nôn mửa, đau bụng, vàng da, khó nuốt…

Tuổi tác, chế độ ăn uống và bệnh dạ dày có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh đều được gọi là yếu tố nguy cơ. Có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư và ngược lại không có các yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư.

Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu và khi đã tiến triển - 1

Các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày bao gồm:

- Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori).

- Viêm dạ dày mãn tính.

- Thiếu máu ác tính.

- Chuyển sản ruột là tình trạng niêm mạc dạ dày bình thường được thay thế bằng các tế bào lót ruột.

- Polyp dạ dày.

- Nhiễm virus Epstein-Barr.

- Hội chứng gia đình (bao gồm cả bệnh đa polyp tuyến gia đình).

- Ăn một chế độ ăn nhiều muối, thực phẩm hun khói và ít trái cây và rau quả.

- Ăn thực phẩm chưa được chế biến hoặc bảo quản đúng cách.

- Lớn tuổi hoặc nam giới.

- Hút thuốc lá.

- Có mẹ, bố, chị, em bị ung thư dạ dày.

Dấu hiệu của ung thư dạ dày

Các triệu chứng của ung thư dạ dày bao gồm khó tiêu và khó chịu hoặc đau dạ dày. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể do ung thư dạ dày hoặc các bệnh lý khác gây ra.

Trong giai đoạn đầu của ung thư dạ dày, các triệu chứng sau có thể xảy ra:

- Khó tiêu và khó chịu ở dạ dày.

- Cảm giác đầy bụng sau khi ăn.

- Buồn nôn nhẹ.

- Ăn mất ngon.

- Ợ nóng.

Trong các giai đoạn tiến triển hơn của ung thư dạ dày, các dấu hiệu và triệu chứng sau có thể xảy ra:

- Máu trong phân.

- Nôn mửa.

- Giảm cân không rõ lý do.

- Đau bụng.

- Vàng da (vàng mắt và da).

- Cổ trướng (tích tụ chất lỏng trong bụng).

- Khó nuốt.

Những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường rất rõ ràng nên người bệnh rất dễ nhận biết. Nhưng lúc này thì dường như đã quá muộn bởi khối u đã di căn khó có thể cứu chữa. Do đó người bệnh nên lắng nghe cơ thể mình để đi khám kịp thời. 

Phòng ngừa ung thư dạ dày

Để phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả, các chuyên gia Bệnh viện K đã đưa ra một vài lời khuyên như

- Hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ

- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích

- Tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E

- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

Và quan trọng nhất là đừng quên khám tầm soát ung thư dạ dày hàng năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm