Dấu hiệu ung thư buồng trứng tái phát
(Dân trí) - Đầy hơi, cảm giác ợ chua, táo bón, tiêu chảy, đau bụng… đều có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng tái phát.
Buồng trứng là cơ quan sinh sản, nơi tạo ra trứng. Khi ung thư phát triển trong buồng trứng, nó được gọi là ung thư buồng trứng.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư buồng trứng . Nếu bạn bị ung thư buồng trứng tái phát sau một thời gian thuyên giảm, nó được gọi là ung thư buồng trứng tái phát.
Ung thư buồng trứng tái phát thường trở lại cùng vị trí với khối u đã phát triển ban đầu hoặc nó có thể phát triển trở lại ở một bộ phận khác của cơ thể, mặc dù điều này ít phổ biến hơn.
Tỷ lệ tái phát của ung thư buồng trứng
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ tái phát ung thư buồng trứng, bao gồm cả giai đoạn mà ung thư được chẩn đoán và điều trị ban đầu. Ung thư được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì khả năng tái phát càng ít.
Theo Liên minh Nghiên cứu Ung thư Buồng trứng (OCRA), nguy cơ tái phát ung thư buồng trứng là:
- 10% nếu ung thư được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn một.
- 30% nếu nó được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn 2.
- 70 đến 90% nếu nó được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn 3.
- 90 đến 95 phần trăm nếu nó được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn 4
Tổng cộng, khoảng 70% những bệnh nhân ung thư buồng trứng bị tái phát. Một số người trải qua nhiều lần tái phát.
Các dấu hiệu ung thư buồng trứng tái phát
Các triệu chứng có thể có của ung thư buồng trứng tái phát bao gồm:
- Đầy hơi
- Ợ chua hoặc khó tiêu
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Đau bụng hoặc khó chịu
Bác sĩ của bạn cũng có thể phát hiện các dấu hiệu tái phát trong các cuộc hẹn tái khám mà bạn đã lên lịch sau khi điều trị ban đầu khi bệnh ung thư thuyên giảm.
Các xét nghiệm máu tiếp theo có thể cho thấy bạn có nồng độ CA-125 tăng cao. CA-125 là một loại protein có xu hướng tăng cao khi bị ung thư buồng trứng.
Các dấu hiệu tái phát cũng có thể xuất hiện trong các xét nghiệm hình ảnh hoặc khám sức khỏe.
Những lựa chọn điều trị
Nếu bạn phát triển ung thư buồng trứng tái phát, kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc một phần vào:
- Mục tiêu và ưu tiên điều trị của bạn.
- Thời gian đã trôi qua kể từ lần điều trị ung thư cuối cùng của bạn.
- Phương pháp điều trị trước đó.
- Sức khỏe tổng thể của bạn.
Tùy thuộc vào những yếu tố này, kế hoạch điều trị của bác sĩ có thể gồm một hoặc nhiều cách sau:
- Hóa trị hoặc các liệu pháp sinh học khác, có thể thu nhỏ hoặc giúp làm chậm sự phát triển của ung thư và kéo dài thời gian sống sót của bạn.
- Phẫu thuật, có thể giúp giảm kích thước của ung thư và giảm các triệu chứng.
- Chăm sóc giảm nhẹ, có thể giúp giảm các triệu chứng.