Có những phương pháp nào điều trị ung thư buồng trứng hiệu quả?

Hà An

(Dân trí) - Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất nguy hiểm do tiến triển nhanh và diễn biến âm thầm.Việc điều trị ung thư buồng trứng tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Phẫu thuật

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong ung thư buồng trứng nói chung. Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn số một để điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Phẫu thuật giúp đánh giá giai đoạn chính xác vì trong khi phẫu thuật có thể kiểm tra tình trạng khối u, buồng trứng đối bên và toàn bộ các tổn thương trong ổ bụng.

Có những phương pháp nào điều trị ung thư buồng trứng hiệu quả? - 1

Hóa trị

Sau phẫu thuật, có thể các tế bào ung thư buồng trứng vẫn còn sót lại hoặc lay lan mà các bác sĩ chưa thể cắt bỏ hết được, hóa trị liệu sẽ giúp tiêu diệt phần còn sót lại đó.

Điều trị hóa chất bổ trợ cho bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn I, II:

- Hóa chất truyền tĩnh mạch.

- Hóa chất truyền ổ bụng.

- Hóa chất duy trì.

Hóa trị tác động đến cả tế bào gây bệnh lẫn các tế bào bình thường. Các tác dụng phụ phụ thuộc nhiều vào loại thuốc và liều lượng thuốc được sử dụng. Khi điều trị bằng phương pháp hóa trị có thể gây nên cảm giác buồn nôn và nôn, chán ăn, mệt mỏi, tê và cảm giác kim châm ở bàn tay bàn chân, đau đầu, rụng tóc, sạm da và móng.... Khi thấy dấu hiệu bất thường, bạn có thể chia sẻ với bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm.

Có những phương pháp nào điều trị ung thư buồng trứng hiệu quả? - 2

Điều trị hóa chất bổ trợ cho bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn III, IV:

Có hai phương thức truyền hóa chất bổ trợ ở bệnh nhân giai đoạn này đó là hóa chất tĩnh mạch hoặc kết hợp hóa chất tĩnh mạch và hóa chất ổ bụng.

Xạ trị

Xạ trị là dùng tia phóng xạ để trị liệu, đây là phương pháp sử dụng tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị cũng sẽ động đến các tế bào bình thường và tế bào gây bệnh. Các tác dụng phụ xảy ra do xạ trị phụ thuộc vào liều lượng sử dụng và phần cơ thể bị chiếu xạ.

Tác dụng phụ thường gặp của phương pháp này là cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn, buồn nôn, nôn, đái khó, tiêu chảy và biến đổi da vùng bụng. Xạ trị trong phúc mạc gây ra hiện tượng đau bụng và tắc ruột.

Việc điều trị tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm diễn biến bệnh và sức khỏe chung của bệnh nhân và tâm lý người bệnh.