Đau đầu dữ dội vì túi phình khổng lồ ở động mạch não

(Dân trí) - Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (52 tuổi, thôn 9, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhập viện vì đau đầu dữ dội do túi phình động mạch não lớn.

Kết quả chụp DSA phát hiện túi phình khổng lồ ở động mạch cảnh trong bên phải trong não bệnh nhân H. Đoạn động mạch mắt có kích thước 17 x 30mm và được xem là lớn nhất từ trước tới nay tại Bệnh viện Trung ương Huế và nếu túi phình vỡ thì tỉ lệ tử vong gần như tuyệt đối.

Đau đầu dữ dội vì túi phình khổng lồ ở động mạch não - 1

Túi phình khổng lồ động mạch cảnh trong phải

 

Theo các bác sĩ, có 2 phương pháp điều trị túi phình mạch não: Phẫu thuật kẹp cổ túi phình bằng clip hoặc can thiệp nội mạch để tắc túi phình. Do túi phình rất lớn nên phương pháp phẫu thuật không áp dụng được trong trường hợp này vì không thể tiếp cận được cổ túi phình để kẹp.

Đau đầu dữ dội vì túi phình khổng lồ ở động mạch não - 2

Đặt các vòng xoắn kim loại vào túi phình để tắc một phần túi phình

 

Can thiệp nội mạch là phương pháp chỉ thực hiện được tại các trung tâm lớn, cần độ chính xác rất cao, các trường hợp di lệch stent chuyển dòng một vài milimet, đặt không đúng vị trí, hoặc trôi stent trước, trong và sau can thiệp sẽ dẫn đến thất bại của kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. 

Đau đầu dữ dội vì túi phình khổng lồ ở động mạch não - 3

Stent chuyển dòng đặt vào động mạch cảnh trong phải phủ qua cổ túi phình khổng lồ

 

Nhờ quá trình can thiệp thành công, stent chuyển dòng phủ tốt cổ túi phình sau khi đã nút túi phình một phần bằng các vòng xoắn kim loại. Dòng chảy vào túi phình đã giảm đáng kể sau đặt stent chuyển hướng dòng chảy, làm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ vỡ túi phình, cứu sống bệnh nhân.

Đau đầu dữ dội vì túi phình khổng lồ ở động mạch não - 4
Đau đầu dữ dội vì túi phình khổng lồ ở động mạch não - 5

Hình ảnh túi phình đã tắc sau can thiệp, dòng chảy vào túi phình khổng lồ động mạch cảnh trong phải đã giảm gần hoàn toàn sau đặt stent chuyển dòng, khởi phát quá trình lấp dần để tắc túi phình hoàn toàn.

 

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định, có thể xuất viện ngày hôm sau. Ê-kíp mổ được thực hiện với sự chỉ đạo và hỗ trợ của TS.BS. Nguyễn Trọng Tuyển (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Th.s. Lê Vũ Huỳnh, Th.s. Nguyễn Viết Quý và ê-kíp can thiệp mạch não của Khoa Đột Quị, với sự gây mê của khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện bệnh nhân đang chờ để được xuất viện.

Đại Dương