Đau đầu chuyện đặt tên “bệnh”!
Thử hình dung: Mùa hè này bạn có dám đi du lịch đến gần con sông Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo ở châu Phi không? Chắc là không.
Đầu tháng 5 vừa rồi (8/5), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến cáo rằng phải thay đổi việc chọn tên để đặt cho một căn bệnh mới phát hiện nhằm tránh gây khó khăn trong sinh hoạt xã hội cũng như làm hoảng loạn người dân.
Nhiều tên bệnh đang gây ra những hệ lụy không đáng có, bởi chúng “đánh” vào tên các khu vực địa lý, như hội chứng hô hấp Trung Đông, bệnh cúm Tây Ban Nha,… hoặc được mang một tên người, như bệnh Creutzfeldt-Jakob, bệnh Chagas,... hay tên các loài vật là thực phẩm của chúng ta, như cúm heo, cúm gà,… Và thường kèm theo đó là những đánh giá chuyên môn thật “dễ sợ” nhưng lại “mơ hồ”, như đây là căn bệnh “chưa rõ nguồn gốc”, “không tránh được” hay “sẽ bùng phát thành dịch”,…
Tạp chí Science nhắc lại chuyện cách đây đã 20 năm khi Linfa Wang đã đặt tên cho dòng virus mà ông vừa phát hiện là “Hendra”, lấy tên một khu ngoại ô của TP cảng Brisbane của Úc, điều này đã khiến người dân địa phương nổi giận vì giá bất động sản tại đây giảm mạnh một cách nhanh chóng.
Từ thực tế trên, WHO khuyến cáo từ nay việc đặt tên cho một bệnh mới phải sử dụng các thuật ngữ mang tính mô tả các triệu chứng mà căn bệnh đó biểu hiện, ví dụ như bệnh đường hô hấp, hội chứng thần kinh,… nếu như y học đã có được những thông tin xác tín về các biểu hiện bệnh, kèm theo là tác nhân gây bệnh, như từ virus cúm chẳng hạn.
Theo Tường Nguyễn
Pháp luậ TPHCM