Đặt máy tạo nhịp tim thành công cho bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối
(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng ngất liên tục, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim, nguy cơ tử vong cao nhưng quá trình chạy thận khiến mạch máu bị biến dạng rất khó đặt máy tạo nhịp tim.
Sáng 29/4, BS Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch kiêm Trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết, lần đầu tiên tại đây vừa đặt máy tạo nhịp tim không dây cứu sống bệnh nhân suy tim nặng nhờ sự phối hợp chuyên môn với chuyên gia đầu ngành của Thái Lan.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị B. (46 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm. Sau các kết quả kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán Block nhĩ thất độ III gây rung thất, xoắn đỉnh trên nền bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc thận định kỳ.
Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để duy trì sự sống nhưng do catheter lọc thận lâu ngày gây hẹp đường vào tĩnh mạch chủ trên nên riêng việc đặt được dây điện cực tạo nhịp tim tạm thời cũng đã rất khó khăn và bế tắc khi tìm giải pháp cứu chữa lâu dài cho người bệnh.
Sau khi hội chẩn từ xa với PGS.TS Sirin Apiyasawat (ông là Phó chủ nhiệm khoa Y, Phó giáo sư phân ngành tim mạch khoa Y bệnh viện Ramathibodi Thái Lan, Thành viên hội đồng Hội rối loạn nhịp Châu Á Thái Bình Dương, được đào tạo nội trú tim mạch và Điện sinh lý tại Hoa Kỳ năm 2000-2007) và các nhà chuyên môn, với sự hỗ trợ của chính GS người Thái này, loại máy tạo nhịp mới cấp phép sử dụng năm 2017 có kích thước rất nhỏ (đường kính 6mm, dài 2cm, trọng lượng 1gam, thay pin sau 12 năm sử dụng) đã được đưa vào trong buồng thất phải bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi (tránh đường đi thông thường do bệnh nhân đã bị biến dạng mạch máu) thành công.
Tuy nhiên chi phí máy khá cao hiện nay là 390 triệu đồng sẽ là rào cản rất lớn ở những người bệnh muốn tiếp cận.
Vân Sơn