Đặt cược sức khoẻ để đẻ con trai
Sinh con không như ý muốn rồi dẫn đến sinh nhiều, nghèo khó, thất chí, làm ăn không khá, con ốm, vợ bệnh… tất cả thành một chuỗi lẩn quẩn trong các gia đình đông con.
Trai hay gái tuỳ vào mấy ông
Bộ nhiễm sắc thể con người vốn có 23 cặp nhiễm sắc thể thường quy định các đặc điểm không thuộc giới tính và một cặp nhiễm sắc thể giới tính. Nhiễm sắc thể giới tính có hai loại, X và Y. Hai nhiễm sắc thể X tương ứng với giới tính nữ, còn cặp nhiễm sắc thể X và Y tương ứng với giới tính nam. Các trường hợp khác là bệnh lý giới tính. Các tế bào sinh dục chỉ mang một nhiễm sắc thể giới tính. Do đó, trứng chỉ có một loại nhiễm sắc thể X, trong khi tinh trùng có hai loại X và Y.
Khi tinh trùng Y gặp trứng, một cậu trai ra đời, còn tinh trùng X gặp trứng, ta có một bé gái. Như vậy, sinh được con trai hay con gái, rõ ràng là trách nhiệm của các ông, làm sao điều khiển được đúng là tinh trùng X hay tinh trùng Y theo ý mình, chứ không như nhiều người đã đổ hết lỗi cho các bà.
Y học cho tới nay chỉ biết các tinh trùng Y thường linh hoạt hơn, chạy nhanh hơn, nhưng lại mau chết sớm. Còn tinh trùng X thì lù đù chạy chậm mà sống lâu. Bởi vậy mới có lời khuyên muốn sinh con trai thì canh ngày rụng trứng, để chàng Y có thể gặp ngay trứng vừa rụng sau khi “ra quân”. Còn muốn sinh con gái thì quan hệ trước khi rụng trứng đôi ba ngày, để chàng X phục kích sẵn trong cơ thể người phụ nữ, chờ lúc trứng rụng là tấn công ngay. Cách này thật ra chỉ có hiệu quả giới hạn, bởi ngay cả cán bộ y tế, thậm chí bác sĩ chuyên khoa phụ sản mà cũng có người chỉ có một bề con là hoàng tử hoặc công chúa, dù có thể vẫn đều đều làm tốt việc canh ngày rụng trứng cho bao bệnh nhân.
Sanh nhiều thì băng huyết sau sanh, vỡ tử cung là chuyện rất dễ xảy ra. Chưa kể nỗi khổ của bác sĩ nhi khi điều trị cho các bé suy dinh dưỡng.
Ngoài cách canh ngày rụng trứng, gần đây cũng có lời khuyên các cặp vợ chồng nên đi lọc rửa tinh trùng (một kỹ thuật điều trị hiếm muộn) để có thể sinh được con như ý muốn. Làm gì mà dễ vậy! Lọc rửa tinh trùng chỉ là lọc đi các mầm bệnh có trong tinh dịch, loại đi những con tinh trùng què quặt ốm yếu, nhằm làm trong sạch và hùng mạnh các tinh binh, rồi dùng dịch này bơm vào buồng tử cung trong ngày rụng trứng, để làm tăng khả năng mang thai. Chớ còn lọc rửa để Y ra đằng Y, X ra đằng X, thì chắc chỉ mong chờ vào giải Nobel trong tương lai, xem có thiên tài nào nghĩ ra không.
Lắm nguy cơ chực chờ người mẹ
Tinh trùng X thường chuộng môi trường toan (axit, chua), còn tinh trùng Y hoạt động tốt trong môi trường kiềm. Từ đây đã có lắm món ăn được quảng bá làm thay đổi môi trường âm đạo cho thích hợp với tinh trùng X hoặc Y, cũng như có sách của lang băm khuyến cáo bôi giấm (axit) vào âm đạo để cho có môi trường toan hay phèn chua cho môi trường kiềm… Những cách này chỉ giúp bác sĩ phụ khoa đắt khách vì được thêm nhiều bệnh nhân đến khám do viêm nhiễm sinh dục sau khi biến đường sinh dục thành môi trường phản ứng của tá lả các chất.
Con nào cũng quý như nhau
Tại sao con trai lại quý hơn con gái hay ngược lại, xin nhường câu trả lời cho các nhà xã hội học. Ở đây, chỉ nhắc các ông bố bà mẹ, khi nhìn ra xã hội, sẽ thấy phụ nữ thành công không thua nam giới, trẻ gái học vẫn giỏi tương đương trẻ trai, và có rất nhiều những gia đình chỉ có độc hoàng tử hay công chúa mà vẫn hạnh phúc. Nếu có dịp tiếp xúc với các gia đình hiếm muộn, ta sẽ rớt nước mắt khi nghe họ nói: “Chỉ cần một đứa con thôi, trai gái gì cũng được...”
Con trai hay con gái, con nào cũng quý như nhau, cũng phải mang nặng đẻ đau. Chỉ cầu mong sao chúng khoẻ mạnh, an lành khi ra đời là điều cần hơn tất cả.
Cũng bởi tâm lý chuộng trai hơn gái của mấy ông mà nhiều cô vợ trẻ cực khổ canh ngày làm “chuyện ấy”. Họ đâu biết chỉ mỗi việc căng thẳng đó có thể làm rối loạn nội tiết, từ đó đưa đến khó khăn trong mang thai hay bị áp lực khi mang thai không như ý muốn. Đã có nhiều thai phụ quyết định bỏ thai vì không như ý, thường là khi thai đã lớn (xác định được giới tính, thai thường đã qua ba tháng). Đây là việc làm bị bộ y tế cấm. Hơn nữa, bỏ thai khi thai càng lớn thì càng nguy hiểm cho sức khoẻ bà mẹ, cũng như khả năng mang thai về sau. Cũng lý do này, nhiều bà vợ cứ được thúc đẻ đến khi nào có “thằng cu” hay “cái hĩm”, làm cho lắm trường hợp nhân viên y tế chạy có cờ để cấp cứu sản phụ, vì sanh nhiều thì băng huyết sau sanh, vỡ tử cung là chuyện rất dễ xảy ra… Còn chưa kể nỗi khổ của bác sĩ nhi khi điều trị cho các bé suy dinh dưỡng, mà thường là trong những gia đình đông con, nghèo khó.
Chăm sóc y tế là để giúp các gia đình có được những đứa con khoẻ mạnh, chứ không phải để nhằm chọn lọc đẻ gái hay trai. Nếu có làm được, các bác sĩ có tâm cũng sẽ không ai làm. Bởi, khi cứ 3 - 4 chàng trai sẽ có một chàng ế vợ như báo động, thì biết đâu không chừng chính họ hay người thân của họ sau này phải vác trầu cau qua tận đâu xứ người để kiếm vợ cho con trai của mình!
Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
Sài Gòn tiếp thị