Đập ruồi đậu trong mắt, người đàn ông phải múc bỏ nhãn cầu

Minh Ngọc

(Dân trí) - Một người đàn ông tại Trung Quốc đã phải cắt bỏ toàn bộ nhãn cầu trái sau khi đập một con côn trùng bay vào mắt.

Theo Aboluowang, trường hợp này là ông Wu đến từ Thâm Quyến, Trung Quốc. Trước khi vào viện, ông Wu bị một con ruồi quấy rầy và sau đó bay vào mắt, mắc kẹt ở mí dưới mắt trái.

Một giờ sau khi dùng tay đập chết con ruồi, mắt trái của ông Wu bắt đầu đỏ lên, sưng tấy và đau đớn. 

Ông Wu vào bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán mắc bệnh viêm kết mạc theo mùa. Tuy nhiên, khi điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, thị lực của ông không cải thiện, mà giảm sút nhanh chóng. Nghiêm trọng hơn, mắt của ông Wu còn xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng Pseudomonas aeruginosa.

Đập ruồi đậu trong mắt, người đàn ông phải múc bỏ nhãn cầu - 1

Ông Wu bị nhiễm khuẩn khi dùng tay đập ruồi cống bay vào mắt (Ảnh minh họa: Getty).

Các thuốc đã dùng không thể ngăn chặn được tình trạng nhiễm trùng, khiến mắt và các vùng xung quanh của bệnh nhân bị loét nghiêm trọng.

Để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào não, các bác sĩ đã phải phẫu thuật múc bỏ toàn bộ nhãn cầu trái của bệnh nhân.

Loài côn trùng nhỏ khiến ông Wu bị mất nhãn cầu là ruồi cống.

Loài ruồi này thường được tìm thấy ở những nơi tối tăm, ẩm ướt trong nhà, chẳng hạn như phòng tắm, bồn tắm, bồn rửa và nhà bếp.

Mặc dù ruồi cống không lây lan mầm bệnh chết người qua máu, nhưng chúng mang nhiều loại vi trùng khác nhau từ môi trường bẩn trên chân, có thể lây nhiễm gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người. 

Điển hình trong trường hợp này là vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh). Đây là một vi khuẩn phổ biến gây bệnh ở động vật và con người. Nó được tìm thấy trong đất, nước, hệ vi sinh vật trên da và các môi trường nhân tạo trên khắp thế giới.

Trực khuẩn mủ xanh là một loại vi khuẩn gây nhiều bệnh viêm mãn tính như: viêm da, viêm tai, viêm nang lông. Ngoài ra, đây còn là thủ phạm gây một số bệnh nhiễm trùng như: nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.

Bên cạnh đó, bản thân tay của chúng ta cũng mang nhiều loại vi khuẩn.

Trong trường hợp cảm thấy khó chịu ở mắt, nhiều người sẽ vô tình dùng tay dụi mắt, điều này cũng sẽ mang vi khuẩn từ tay vào mắt của họ, dẫn đến nhiễm trùng. 

Từ trường hợp của ông Wu, các bác sĩ khuyến cáo khi côn trùng bay vào mắt, chúng ta không nên dụi mắt mà phải bình tĩnh và nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc dùng gió tự nhiên để thổi bay côn trùng. 

Nếu mắt vẫn cảm thấy khó chịu sau khi côn trùng bay đi, chúng ta có thể rửa bằng nước muối hoặc nước tinh khiết, đồng thời sử dụng thuốc nhỏ mắt chống nhiễm trùng. 

Khi côn trùng đã đi sâu vào bên trong mắt, cần đi khám càng sớm càng tốt. 

Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, nhiều loài côn trùng biết bay có kích thước nhỏ thường xuất hiện trong nhà.

Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để loại bỏ các loại côn trùng này là giữ phòng tắm, nhà bếp và các khu vực ẩm ướt khác sạch sẽ và khô ráo. Ngoài ra, cần phải thường xuyên vệ sinh, thông tắc cống và thông tắc bồn cầu.