Dập dịch ở Bắc Giang: Phải chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót

Hồng Hải

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, chủng virus SARS-CoV-2 gây đợt dịch này lây lan rất nhanh, rất rộng, không còn giới hạn trong 2m. Đặc biệt bệnh khi khởi phát, phát tán mầm bệnh rất nhanh.

"PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói với tôi, trên phòng thí nghiệm, bình thường nuôi cấy virus SARS-CoV-2 thường 3-4 ngày mới có, nhưng với chủng mới này, nuôi cấy ở ngày thứ 2 đã mọc rất nhiều", Bộ trưởng Y tế cho biết.

Dập dịch ở Bắc Giang: Phải chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót - 1
Bộ trưởng Y tế cho biết, virus SARS-CoV-2 đợt này không chỉ lây theo chuỗi (F1 tiếp xúc F0) mà còn lây qua không khí, vượt giới hạn khoảng cách 2m.

Và trên thực tế, chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh đợt dịch lần này rất đặc biệt, lây lan nhanh, phát tán trên diện rộng, khiến gần 3.000 người mắc trong gần 1 tháng.

"Không như các chủng virus trước đó, lây nhiễm theo chuỗi người này tiếp xúc người kia, lần này virus SARS-CoV-2 vừa gây lây nhiễm theo chuỗi (F1 tiếp xúc F0), vừa lây theo không khí. Virus phát tán ra môi trường không khí trong không gian hẹp, đó là lý do khiến dịch Covid-19 ở khu công nghiệp nặng nề đến vậy. Virus phát tán lây bệnh cho tất cả mọi người trong không gian đó, chứ không chỉ ở trong khoảng cách 2m", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với ổ dịch ở Bắc Giang, Bộ trưởng khẳng định, ưu tiên lớn nhất hiện nay là dập bằng được ổ dịch tại đây.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu thay đổi phương thức xét nghiệm tại đây, với tinh thần Đà Nẵng nhanh 1, Bắc Giang phải nhanh 10 mới chặn được tốc độ lây lan.

Bộ trưởng chỉ đạo PGS.TS Trần Như Dương và PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (hai Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang) cần họp với tỉnh và đưa ra phương án thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR bằng test kháng nguyên nhanh, sàng lọc những người có nguy cơ cao. PGS.TS Dương đánh giá hiện Bắc Giang có 50.000 người nguy cơ lây nhiễm rất cao.

"Phải xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 3 ngày/lần, nếu phát hiện dương tính phải đưa đi ngay. Nếu âm tính thì không được coi là an toàn, phải tiếp tục cách ly và làm xét nghiệm 3 ngày/lần, sau 7 ngày thì làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR để đánh giá và điều chỉnh lại. Đặc biệt, với phương thức xét nghiệm này, Bắc Giang không phải lấy mẫu mang về cho CDC tỉnh hay tuyến huyện mà tổ chức các điểm vừa lấy mẫu, làm xét nghiệm và trả kết quả ngay. Khi có kết quả dương tính là đưa bệnh nhân đi cách ly ngay và làm lại xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Tinh thần chung là "làm sạch" công nhân qua nhiều vòng. Không làm sạch, không có cách ly tập trung và làm sạch bằng xét nghiệm thì không thể dừng chuỗi lây nhiễm này được. Do đó, khi phát hiện ra F0, F1 thì phải lập tức có phương án đưa đi cách ly ngay để làm sạch môi trường công nhân.

"Chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót thì mới nhanh được. Mỗi ngày phải làm 50.000 mẫu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Riêng với lực lượng xét nghiệm, Bộ trưởng đã yêu cầu các trường Y trên cả nước phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng với hơn 20.000 người. Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ sẽ điều phối, tập huấn cho lực lượng này để chi viện cho Bắc Giang thay thế lực lượng hiện đang chống dịch tại tỉnh đã "bám trụ" từ những ngày đầu cần lùi lại phía sau để tiếp tục có sức khỏe chiến đấu với cuộc chiến còn dài kỳ.