Đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn
(Dân trí) - Ngày 1/6/2015, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ Khai giảng lớp chuyên khoa I thuộc dự án Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn.
Theo GS.TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y, “Dự án là một trong những nhiệm vụ chính trị mà Bộ y tế triển khai mục tiêu là hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế vùng sâu, vùng xa”.
GS.TS Tạ Thành Văn cũng nhấn mạnh: “đây là nhiệm vụ hết sức đặc biệt, các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, mỗi em học viên được một giảng viên hướng dẫn đào tạo suốt 2 năm theo hướng “cầm tay chỉ việc”, đảm bảo khi ra trường có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tuyến huyện”.
Qua quá trình triển khai, khảo sát tại các huyện nghèo cho thấy nhu cầu bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa là 599 bác sĩ. Bộ Y tế đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký của 95 bác sĩ trẻ mới ra trường, khớp nguyện vọng của các bác sĩ trẻ với nhu cầu bác sĩ của huyện nghèo và tiêu chuẩn mà dự án đã đưa ra, Ban quản lý dự án đã làm việc với các bệnh viện tuyến trung ương về việc tiếp nhận các bác sĩ trẻ này. Kết quả đợt đầu tiên tuyển được 08 Bác sĩ trẻ hội tụ đủ yêu cầu của dự án.
TS Phạm Văn Tác ( Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Y tế, Giám đốc Dự án) “Các Bác sĩ phải trải qua kỳ kiểm tra rất khắt khe về lâm sàng. Dự án cũng là tiền đề để Bộ Y tế nghiên cứu đưa ra Luật về trách nhiệm cán bộ y tế”. Ông cũng cho biết trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án. Trong hệ thống đào tạo nói chung, đào tạo ngành Y nói riêng từ trước tới nay chưa từng có. “Các bạn phải hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình theo cam kết, khó khăn cũng không được lùi bước, phải vượt qua, 3 năm đối với Nam, 2 năm đối với Nữ”. TS Phạm Văn Tác nói.
Trả lời phóng viên Dân trí, Bác sĩ Trần Thị Loan tham gia tình nguyện chuyên khoa Nhi cho biết “ Để quyết định tham gia tình nguyện tôi đã phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều, tham khảo ý kiến của mọi người. Tôi coi đây là một trải nghiệm để trau dồi kiến thức cũng như tay nghề. Trước kia tôi đã từng tham gia tình nguyện vùng sâu, vùng xa, nhận thấy cuộc sống, chế độ chăm sóc sức khỏe ở đó rất khó khăn, tôi muốn góp một phần sức lực của mình để chăm sóc sức khỏe bà con vùng khó khăn”. Bác sĩ Loan cũng chia sẻ “ Khi đưa ra quyết định tôi đã gặp phải sự phản đối của bố mẹ, cũng vì con gái đã từng học 6 năm giờ lại làm việc ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên sau một thời gian thuyết phục, bố mẹ cũng đã đồng ý với quyết định của tôi”.
Cùng tham gia tình nguyện Bác sĩ Phạm Văn Tuấn (khoa Nhi) cho biết “Tôi ra trường bằng Giỏi, với khả năng của mình tôi có rất nhiều cơ hội để làm việc ở đây, tôi cũng được giữ lại trường làm Giảng viên nhưng tôi còn trẻ, tôi có đam mê, nhiệt huyết, muốn thử thách và đóng góp sức mình chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng cao. Đây cũng chính là cơ hội để trau dồi, rèn luyện kiến thức cũng như tay nghề. Và cũng thật may mắn tôi được gia đình ủng hộ, bố mẹ là người tác động, động viên tôi rất nhiều”.
Nhân dịp Lễ Khai giảng lớp chuyên khoa I thuộc dự án Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo, giao cho Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án đảm bảo chất lượng, đạt chỉ tiêu vững vàng tay nghề chuyên môn, đáp ứng nhu cầu nhằm phục vụ nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu vùng xa, góp phầm giảm tải trong công tác khám chữa bệnh tuyến trên.
Dự án “Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” của Bộ Y tế nhằm thu hút bác sĩ trẻ mới ra trường tốt nghiệp loại Khá, Giỏi tình nguyện về công tác tại tuyến huyện một số địa phương.
Thu Hương