1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đằng sau những tấm huy chương

Màn ảnh nhỏ có trận cầu lông, cô gái Trung Quốc mảnh mai đang dẫn điểm. Bị chấn thương, một chân băng chặt, trở lại thi đấu, lại dẫn điểm. Sau đau quá cô đành bỏ cuộc. Cô gái Ấn xinh đẹp Saina Nehwal gặp hên. Xót cho cô bé bị đau, tôi lại rất vui cho Saina.

Một huy chương đồng, đoàn Ấn Độ chắt chiu dường nào. Còn Wu Jingbiao Trung Quốc, chỉ nhận được bạc, ràn rụa nước mắt xin lỗi cả nước. Sao vậy!

 

Saina Nehwal (Ấn Độ) huy chương đồng và đối thủ Trung Quốc bỏ cuộc.

Saina Nehwal (Ấn Độ) huy chương đồng và đối thủ Trung Quốc bỏ cuộc.

 

Nếu “vinh quang Olympic tính theo tỷ lệ dân số” thì nước chiến thắng phải là Grenada. Đảo quốc nhỏ xíu với 109.000 dân có một huy chương vàng. Hoa Kỳ xếp hạng 49, mặc dù đoạt 104 huy chương, nhiều nhất. Với 314 triệu dân, muốn hạ Grenada thì đội Mỹ phải đoạt 2.800 huy chương. Trung Quốc ở hạng thứ 73 với 1,35 tỉ dân.

 

Sau vòng đua bán kết, Kirani James chờ Oscar Pistorius ở mức đến. Trao đổi bảng tên, tỏ tình thân thiết. Có người e rằng Pistorius được thuận lợi với đôi chân có cánh. Còn James như muốn nói “Anh bình đẳng với tôi. Tôi ngưỡng mộ và kính trọng anh”. Kirani James, 19 tuổi lực sĩ chạy 400m đoạt huy chương vàng cho Grenada. Oscar Pistorius, chàng trai 25 tuổi lực sĩ không chân người Nam Phi cho thấy không có gì là không thể. Thật đẹp cuộc hội ngộ. Tình Olympic.

 

Huy chương trĩu nặng


Huy chương trĩu nặng

 

Vinh quang Olympic Trung Quốc. Kế hoạch 119 triển khai để đạt số huy chương vàng tối đa ở Olympic mùa hè Bắc Kinh 2008. Phải lên bục càng nhiều càng tốt. Truy tìm trên khắp nước các mầm non tài năng cho vào các lò luyện. Truyền thông Trung Quốc thừa nhận trẻ em chịu đựng khổ luyện hành xác, mỗi ngày 16 giờ, không ngơi nghỉ, cô lập khỏi bạn bè, gia đình. Nữ lực sĩ Wu Minxia không được biết ông bà của cô chết hơn một năm rồi và mẹ cô bị ung thư vú hơn tám năm. Wu đoạt ba huy chương vàng. Hãy xem cô bé Ye Shiwen khổ luyện từ khi lên sáu tuổi. 16 tuổi phá kỷ lục bơi lội Olympic 100m và 200m. Một phụ nữ Trung Quốc bức xúc: “Con gái tôi bằng tuổi, lo học và ít thể thao; Ye chỉ bơi lội và bơi lội, huy chương vàng mà dốt”. Áp lực quốc gia nặng nề. Lực sĩ cử tạ Wu Jingbiao, ứng viên huy chương vàng nặng ký, nhoè lệ và xin lỗi cả nước khi chỉ được huy chương bạc. Khát vọng huy chương vàng có bù đắp được hạnh phúc của cuộc sống không.

 

Bị thế giới đối xử bất công! Trung Quốc đứng thứ nhì về huy chương vàng và tổng sắp. Lễ mừng rầm rộ. Olympic có ý nghĩa gì trong xã hội Trung Quốc và vị trí trên thế giới. Nhiều phàn nàn, không ít giận dữ.

 

Nhiều người tin là các lực sĩ của họ đã bị phần còn lại của thế giới đối xử bất công chỉ vì họ là người Trung Quốc. Thế giới muốn kiềm hãm Trung Quốc có vị trí siêu cường toàn diện. Có nổi giận khi lực sĩ Chen Yibing chỉ nhận bạc, có phẫn nộ đội cầu lông và xe đạp bị loại, đầy bất mãn do Ye Shiwen bị nghi ngờ doping. Zhang Yiwu, giáo sư đại học Bắc Kinh: “Điều chúng ta có thể làm là cố gắng trở nên mạnh hơn cho những kẻ khác nhìn nhận và làm quen với sức mạnh của chúng ta”.

 

Hiếm hoi thái độ ôn hoà chững chạc. Tờ China Youth Daily phê phán sâu sắc những ai nghĩ là có bàn tay chống Trung Quốc phía sau mỗi huy chương bạc: “Người Trung Quốc phải biết xử sự như là khán giả với thái độ lịch sự và đầu óc lành mạnh. Thể thao không phải là cuộc chiến, thế giới không phải là kẻ thù, lòng ái quốc không lấp liếm được các sai lầm...”

 

Noi gương Mahatma Gandhi


Noi gương Mahatma Gandhi

 

Ỳ ạch Olympic. Ấn Độ được nhiều huy chương ở Luân Đôn nhất từ trước đến nay. Tổng cộng 2 bạc và 4 đồng, không có vàng, hơn chỉ tiêu (5 huy chương). Trên 1,2 tỉ dân, có nền kinh tế thật hùng mạnh, đây đâu phải là thành tích đúng tầm. Bộ trưởng thể thao Ajay Maken nói mong có được ít nhất 25 huy chương vào năm 2020.

 

Số huy chương không nhất thiết là chỉ số thành công hoặc sức mạnh quốc gia. Nhớ lại có lúc Đông Đức tại Mátxcơva năm 1980 lấy đến 126 huy chương. Cộng hoà Liên bang Đức ngày nay có yếu hơn Cộng hoà Dân chủ Đức ngày xưa chăng. Thành tích Olympic Trung Quốc có thật sự đáng khâm phục chưa.

 

Trong diễn văn gởi toàn dân mới đây, Thủ tướng Ấn Độ như quên khen ngợi đoàn Olympic. Nhấn mạnh đến nhiều thành tựu và không ít khó khăn của đất nước, ông chấm dứt bài nói: “Không sức mạnh nào trên thế giới có thể cản trở đất nước chúng ta hoàn thành các đỉnh cao tiến bộ và phát triển”. Ông có ám chỉ đối thủ láng giềng xứng cân bằng ký chăng. Tôi miên man nghĩ đến Thánh Gandhi, người trơ xương gầy đét, sức mạnh vô vàn cả thể chất và tinh thần, lãnh đạo dân tộc tuyệt vời. Phải chăng trên 1 tỉ người Ấn theo tiêu chuẩn khoẻ mạnh của vị cha già của dân tộc.

 

Roger Federer thua Andy Murray, không được huy chương vàng Olympic. Uổng quá! Anh hết gân sau bán kết marathon với Del Potro hay là anh nhường cho Murray và cả nước Anh. Vẫn tươi tỉnh. “Đừng ngỡ tôi buồn, tôi được huy chương bạc mà”. Mấy hôm trước, Roger Federer, 31 tuổi gặp Novak Djokovic, 25 tuổi, trong trận chung kết giải quần vợt Cincinnati. Số 1 gặp số 2. Roger hạ Novak ngon lành. Người dân nước nhỏ, tay vợt số 1 luôn điềm đạm ôn hoà nhẹ nhàng dẻo dai. Federer đúng là mẫu mực, thân lẫn tâm yên vui. Phật dạy “thân tâm thường an lạc”.

 

Danh vọng phù hoa

 

Lại chuyện lừa bịp ở Olympic. Sau bế mạc vẫn còn chuyện: Ostapchuk nữ lực sĩ ném tạ (Belarus), 31 tuổi, thử dương tính steroid metenolone trước và sau khi đoạt giải. Bị tước huy chương vàng. Có thể cấm thi đấu hai năm.

 

Ye và Li. Ye Shiwen thắng cuộc đua 200m Olympic Luân Đôn, phá kỷ lục và nhanh hơn cả Ryan Lochte, tay bơi nam nhanh nhất hành tinh. Ye khẳng định mình sạch. Do tiền lệ doping của Trung Quốc, thành tích này bị nghi ngờ. Cùng đội với Ye, Li Zhesi, 16 tuổi, phá kỷ lục thế giới tiếp sức 400m, thử dương tính vào tháng 3 năm nay, doping EPO, không được dự Olympic Luân Đôn. Nhiều nghi vấn Trung Quốc cố tìm các chất doping thoát khỏi xét nghiệm. Còn phải chờ xem. Ye Shiwen dùng củ sâm ngàn năm trên núi tuyết Trường Bạch thì chịu thua.

 

Vẫn còn thành tích. Vào tháng 6.2012, USADA (uỷ ban Chống doping của Mỹ) cáo buộc Armstrong doping. Cuarơ lừng lẫy này kiện lên toà liên bang xin vô hiệu cáo buộc của USADA. Tổ chức Xe đạp quốc tế vào cuộc phản đối USADA, bảo vệ Armstrong. Lập tức WADA (uỷ ban Chống doping thế giới) ủng hộ USADA. Sau khi toà án liên bang tại Austin, Texas phán quyết là để hai bên giải quyết lấy, thì Armstrong đầu hàng, chấm dứt cuộc chiến chống lại cáo buộc anh dùng thuốc tăng lực. Anh nói chẳng đấu đá gì nữa, để còn lo cho gia đình, cho tổ chức chống ung thư. Theo luật chống doping thế giới, quyết định của Armstrong đồng nghĩa với việc bị tước bỏ danh hiệu bảy vòng đua nước Pháp, huy chương đồng Olympic 2000 và cả các danh hiệu, các giải thưởng và tiền nong anh nhận từ tháng 8.1998 về sau, suốt đời cấm thi đấu, huấn luyện hay bất cứ vai trò chính thức nào với bất cứ loại thể thao Olympic hay thể thao nào khác.

 

Không, anh không mất hết đâu, vẫn giữ thành tích chiến thắng bệnh ung thư của anh mà. Lance thân mến, mừng anh có nhiều thời gian và thêm nghị lực dành cho việc chống ung thư trên toàn hành tinh.

 
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng

Sài Gòn tiếp thị