1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đang nằm viện, chàng trai 24 tuổi bỗng ho ra cả chậu máu

Vân Sơn

(Dân trí) - Nhanh như “sét đánh” sau vài tiếng ho, máu ộc ra không kiểm soát được khiến bệnh nhân rơi vào nguy kịch. Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp tắc mạch, kịp thời giữ lại sinh mạng cho người bệnh.

Đó là trường hợp nam bệnh nhân V.V.T. (24 tuổi) điều trị tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM. Trước đó, bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám vì thường ho ra máu mỗi ngày 2 đến 3 lần không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện theo dõi, điều trị. 

Đang nằm viện, chàng trai 24 tuổi bỗng ho ra cả chậu máu - 1

Bệnh lao phổi khiến bệnh nhân bị vỡ động mạch phế quản "ho ra máu sét đánh"

Các kết quả kiểm tra hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng do lao phổi đã tạo hang ở vùng đỉnh phổi phải. Tình trạng tổn thương phổi là nguyên nhân khiến người bệnh bị ho ra máu. Trong quá trình đang theo dõi điều trị, bệnh nhân đột ngột lên cơn ho dữ dội ngay trên giường bệnh, máu phun ra từ mũi, miệng không thể kiểm soát được. 

Tình trạng “ho ra máu sét đánh” khiến bệnh nhân mất máu cấp, đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao. Ngay lập tức bệnh viện đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện huy động các chuyên khoa Lồng ngực Mạch máu, Gây mê Hồi sức, DSA, Hồi sức Tích cực Chống độc và khoa Nội tổng hợp hội chẩn khẩn cấp tìm phương án cứu chữa 

Đang nằm viện, chàng trai 24 tuổi bỗng ho ra cả chậu máu - 2
Các bác sĩ đã hội chẩn khẩn cấp quyết định thực hiện phương pháp nút mạch cầm máu

Bệnh nhân được xác định bị vỡ động mạch phế quản do lao, cần phải xử lý khẩn nguy để ngăn chặn tình trạng mất máu cấp đang xảy ra. Các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển người bệnh qua phòng DSA (hệ thống chụp mạch máu xóa nền), cho thở máy, xử lý chảy máu do vỡ động mạch bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng của máy chụp mạch số xóa nền. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Long, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch máu Ngoại biên, khoa Chẩn đoán Hình ảnh cho biết kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu là phương pháp chuyên sâu điều trị nội mạch, ít xâm lấn. Dưới màn hình DSA, bệnh nhân đã được đặt một ống thông nhỏ đi từ động mạch đùi đến động mạch phế quản đang chảy máu, sau đó, một ống thông có kích thước nhỏ hơn sẽ tiếp tục được luồn một cách chọn lọc vào trong lòng động mạch phế quản bị tổn thương để bơm chất nút mạch. 

Đang nằm viện, chàng trai 24 tuổi bỗng ho ra cả chậu máu - 3
Động mạch phế quản bị vỡ gây xuất huyết trên hình ảnh chụp mạch máu xóa nền DSA

Sau 1 giờ khẩn trương trong phòng can thiệp, các bác sĩ đã gây tắc thành công vị trí các mạch máu động mạch phế quản bị vỡ, xử lý triệt để tình trạng xuất huyết cho người bệnh. Sau can thiệp, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, được rút ống nội khí quản.

Thông thường, kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu được tiến hành ở các bệnh viện đầu ngành về hô hấp. Người bệnh sẽ được đặt lịch can thiệp vào thời gian cụ thể, kỹ thuật trên rất hiếm khi sử dụng để cấp cứu người bệnh.

Tuy nhiên, trong tình huống khẩn nguy của bệnh nhân V.T. các bác sĩ đã “hỏa tốc” triển khai nút mạch, cứu sống được người bệnh. Điều này mở ra hướng mới trong việc cấp cứu cho những trường hợp mất máu cấp do vỡ mạch máu. 

Đang nằm viện, chàng trai 24 tuổi bỗng ho ra cả chậu máu - 4
Mạch máu bị vỡ được nút, cầm máu thành công giúp bệnh nhân qua cơn nguy cấp

Hiện bệnh nhân đã bình phục đủ tiêu chuẩn xuất viện. Tuy nhiên, người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi, điều trị uống thuốc kháng lao theo phác đồ. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được khám để xem xét, can thiệp các tổn thương do di chứng của lao sau điều trị lao phổi. 

"Ho ra máu sét đánh” là bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh. Máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được, máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở. Chỉ sau vài phút người bệnh sẽ rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao, khiến các bác sĩ không kịp trở tay. Ho ra máu sét đánh ở bệnh nhân V.T. là tai biến hiếm gặp, có tỷ lệ tử vong trên 90%.