1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Ho ra máu sét đánh” bệnh nhân thoát chết kỳ diệu

Vân Sơn

(Dân trí) - Diễn tiến nhanh như sét đánh, bệnh nhân hộc máu ra cả mũi và miệng, hôn mê, ngừng thở. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguy kịch rất hiếm gặp ở người bệnh là do giãn phế quản gây vỡ động mạch.

Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp đặc biệt nguy kịch. Sau một cơn ho dữ dội, máu từ mũi và miệng ồ ạt hộc ra ngoài khiến bệnh nhân hôn mê, ngừng thở hoàn toàn được chuyển đến bệnh viện cấp cứu .

“Ho ra máu sét đánh” bệnh nhân thoát chết kỳ diệu - 1
Vị trí vỡ động mạch khiến bệnh nhân bị hộc máu, rơi vào hôn mê

Sau thăm khám, các bác sĩ hội chẩn nhanh ngay tại giường bệnh và nhận định đây là là trường hợp ngừng hô hấp do “ho ra máu sét đánh”. Thông tin được bác sĩ ghi nhận từ gia đình bệnh nhân được biết người bệnh có tiền sử lao phổi đã được 20 năm. Bệnh lao phổi đã gây ra kén khí, giãn phế quản mạn tính. Ngoài ra bệnh nhân còn bị bạch cầu mạn tính, phải điều trị bằng thuốc hoá trị Imatinib lâu dài.

Theo phân tích của Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Phan Anh Dũng, khoa Nội Tổng hợp, đây là ca bệnh có những diễn biến rất phức tạp, nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân chính dẫn tới “ho ra máu sét đánh” là do người bệnh bị giãn phế quản, gây vỡ động mạch phế quản tạo ra cơn ho ra máu dữ dội.

Bệnh cảnh trên diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được, máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở. Chỉ sau một vài phút hộc máu, bệnh nhân sẽ suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn, nguy cơ tử vong rất nhanh khiến các bác sĩ không kịp trở tay.

“Ho ra máu sét đánh” bệnh nhân thoát chết kỳ diệu - 2
Các bác sĩ đã nỗ lực can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân trong tình huống khẩn nguy

Trước tình trạng nguy cấp, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động liên chuyên khoa cấp cứu bệnh nhân. Các bác sĩ quyết định can thiệp xử lý chảy máu do vỡ động mạch bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE (bronchial artery embolization) dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng của máy chụp mạch số xóa nền (DSA).

Bác sĩ Nguyễn Thanh Long, Trưởng Đơn vị Can thiệp Mạch máu ngoại biên, khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: “Đây phương pháp điều trị nội mạch, ít xâm lấn, là kỹ thuật chuyên sâu. Dưới màn hình tăng sáng của máy chụp mạch số xóa nền (DSA), được đặt một ống thông nhỏ đi từ động mạch đùi đến động mạch phế quản đang chảy máu, sau đó, một ống thông có kích thước nhỏ hơn sẽ tiếp tục được luồn vào trong lòng động mạch phế quản bị tổn thương để bơm chất nút mạch.

Được biết, kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu hầu hết được tiến hành ở bệnh nhân được hẹn lịch can thiệp cụ thể và được thực hiện ở các bệnh viện đầu ngành về hô hấp như Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định, Bạch Mai, Phổi Trung Ương… Tuy nhiên, trước sự nguy cấp của người bệnh, thời gian chỉ tính bằng phút nên việc chuyển viện không thể thực hiện, các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức đã quyết định can thiệp cấp cứu với hy vọng “còn nước còn tát”.

“Ho ra máu sét đánh” bệnh nhân thoát chết kỳ diệu - 3
Sau can thiệp, vị trí mạch máu bị vỡ của bệnh nhân đã được gây tắc thành công

Bệnh nhân đã may mắn thoát chết kỳ diệu nhờ nỗ lực của ê kíp các bác sĩ liên chuyên khoa tại bệnh viện. Sau hơn 1 giờ khẩn trương, các mạch máu động mạch phế quản gây tình trạng xuất huyết đã được nút lại kịp thời. Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục điều trị, theo dõi tại khoa Hồi sức Tim mạch.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cho biết, ho ra máu sét đánh thường gặp ở bệnh nhân bị các vấn đề về phổi như: lao phổi, giãn phế quản, bất thường mạch máu phổi… Đây là trường hợp hiếm gặp, có tỷ lệ tử vong lên tới hơn 90%. Ca bệnh trên may mắn được cứu sống nhờ đến bệnh viện kịp thời, được tiến hành hồi sức và khai thông đường thở, cấp cứu và can thiệp sớm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm