1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đắng lòng cha mẹ không biết con là trai hay gái

Những bất thường ở bộ phận sinh dục của đứa con mới sinh khiến chị Nguyễn Thị T. (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đinh ninh cháu là con gái và khai sinh với cái tên kèm chữ “Thị”. Trớ trêu thay, càng lớn cháu càng lộ rõ vẻ nam tính. Đến giờ, khi con đã 9 tuổi, hai vợ chồng người nông dân khốn khó ấy vẫn gian nan trên hành trình tìm lại giới tính thật cho con.


Tại buồng bệnh của khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (BV Nhi Trung ương), hai mẹ con chị Nguyễn Thị T. tỏ ra khá hồi hộp. Ngày mai, “con gái” chị - cháu Đặng Thị U. chính thức bước vào đợt phẫu thuật lấy lại giới tính nam sau gần chục năm ròng rã mang dáng vẻ của một bé trai nhưng U. lại đi tiểu… ngồi và mọi giấy tờ liên quan đều là con gái!

Không giấu nổi nỗi buồn trong đôi mắt sâu, chị T. kể, lúc mới sinh cháu U., hai bên bẹn của cháu nổi lên hai hòn nho nhỏ, đầu dương vật lại ngắn như môi nhỏ của bé gái, lỗ tiểu chưa thông với đầu dương vật mà vẫn đi ở lỗ bên dưới nên gia đình nghĩ cháu là con gái. Sau đó, đưa con lên BV Nhi Trung ương khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị thoát vị bẹn và mổ. Đồng thời cho biết khả năng đến 95% U. là nam giới và hẹn ba tháng sau gia đình đưa cháu đến BV kiểm tra lại. Song, vì điều kiện gia đình khó khăn nên vợ chồng chị T. lần nữa mãi, định bụng gom góp được ít tiền sẽ đưa cháu đi chữa trị.

Đến tuổi đi học, U. bị bạn bè xì xèo đàm tiếu gọi em là “U. ái”, “Thằng U. con trai lại tè ngồi”… khiến U. buồn rầu, lúc nào lủi thủi một mình. Chị T. kể: “Có lần, cô giáo cũng thắc mắc không hiểu sao lớp học lại thừa một học sinh nam và thiếu một học sinh nữ? Rồi cô tư vấn gia đình nên đổi tên cho cháu. Nghe theo, tôi cũng xuống BV Nhi Trung ương xin giấy xác nhận cháu U. đã có gen là nam giới nhưng địa phương vẫn chưa đổi cho. Họ nói trước mắt cứ để tên cho cháu như thế đã vì thủ tục giấy tờ lằng nhằng lắm...”.
 
Đắng lòng cha mẹ không biết con là trai hay gái

Nhìn U. khá đen và gầy guộc so với tuổi lên 9. Cậu bé thủ thỉ kể với chúng tôi lần đầu tiên bị bạn bè phát hiện đi tiểu ngồi. Trông U. buồn hiu hắt, cảm giác như đó là việc gì tội lỗi lắm! “Ở trường, con cũng đi tiểu ở nhà vệ sinh nam… Khi thấy các bạn đi tiểu đứng khác mình, con không hiểu. Các bạn nói con là “ái nam ái nữ”,...bảo con là con gái…”- giọng U. ngập ngừng.

Nhiều người trong làng tỏ ra khá tò mò về giới tính của U. Có lần, U. nghe ông bà nói với người ta là do lúc mẹ mang bầu 8 tháng thì bị chó cắn, mẹ đã tiêm thuốc phòng dại nên sinh U. ra mới bị như vậy. U. chẳng hiểu gì, cậu về trách móc mẹ tại sao tiêm thuốc khiến em thành “ái nam ái nữ” phải đi chữa bệnh. Mẹ U. thương con khóc nức nở nhưng cũng cố giải thích cho con hiểu, rằng “nếu mẹ không tiêm thì có thể hai mẹ con mình đều chết…”. Cậu bé cũng lờ mờ hiểu rằng lỗi không phải của mẹ và thương mẹ nhiều hơn.

Gia cảnh nghèo khó, hai vợ chồng chị T. đều đi làm ăn xa quê ở tận Sapa, Lào Cai. U. chung sống với ông bà trong căn nhà nhỏ ở Vĩnh Phúc. Cả năm làm lụng chắt chiu, anh chị cũng chỉ có vài lần về quê thăm con, thấy con như vậy lòng đau như cắt. “Dù giới tính của con là gì đi nữa – trai hay gái đều được cả. Tôi chỉ mong cơ thể cháu được hoàn thiện, khỏe mạnh, lớn lên không phải mặc cảm với bạn bè. Dân làng bảo tôi sinh thêm một cháu nữa chứ tiền đâu chạy chữa cho con nhưng cha mẹ nào nỡ lòng nào làm vậy, sinh con ra phải có trách nhiệm với con chứ. Dù gì chúng cũng là máu mủ ruột rà, vợ chồng tôi nhất định phải chạy vạy lo chữa trị cho cháu đã…”- người đàn bà đẫm nước mắt nói.

Mơ hồ giới tính của con

Cũng nằm điều trị tại khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, một bệnh nhi khác mới 27 ngày tuồi được các bác sĩ chẩn đoán tăng sản thượng bẩm sinh. Chị H.- mẹ bé kể, hai mẹ con vào viện đã được một tuần. Các bác sĩ đã tiến hành làm các xét nghiệm và theo dõi sức khỏe của cháu để quyết định can thiệp phẫu thuật cho hợp lý.

“Nghe bác sĩ bảo bệnh này phải chữa lâu dài, gần như suốt cả cuộc đời. Cháu là con gái nhưng bộ phận sinh dục lại giống bé trai, âm vật phình to, các môi âm vật lại dính vào nhau một phần, song việc đi tiểu lại giống nữ. Điều đó khiến gia đình ai cũng hoang mang, mơ hồ về giới tính của cháu. Nghe các bác sĩ tư vấn có thể can thiệp y tế để xác định lại giới tính cho cháu nên gia đình cũng đỡ lo hơn”- người mẹ trẻ nói.

Chị H. tâm sự, bà con hàng xóm ở nhà người thì quan tâm thật sự, có người lại không giấu nổi sự tò mò. Gia đình cũng chỉ biết nói sự thật như lời tư vấn của bác sĩ là sau khi phẫu thuật, cháu sẽ hoàn toàn bình thường.

Có rất nhiều trường hợp tương tự như gia đình chị T., chị H. khi những bất thường giới tính ở trẻ - khoa học ngày nay gọi là rối loạn phát triển giới tính (disorder of sex development - DSD) không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ước tính, tỉ lệ trẻ DSD trên thế giới vào khoảng 1/4.500 trẻ đẻ sống. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nếu bao gồm cả những trẻ bị dị tật lỗ tiểu thấp thì tỉ lệ này khá cao, khoảng 1/125 trẻ.

Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (BV Nhi Trung ương) cho biết, số liệu thống kê từ tháng 12/2012 đến nay (tức trong vòng 6 tháng) cho thấy, BV Nhi Trung ương đã quản lý hồ sơ bệnh án của trên 700 trẻ DSD. Thời gian gần đây, khi có thông tin Bộ Y tế đã có quyết định đồng ý cho BV Nhi Trung ương là cơ sở đủ điều kiện phẫu thuật xác định lại giới tính thì số trẻ được đưa đến BV ngày một tăng lên.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc quản lý và điều trị cho trẻ DSD là vô cùng phức tạp bởi đây là nhóm bệnh lý không chỉ ảnh hưởng về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng đến phương diện tâm lý xã hội. Chỉ một chút sơ suất, nhầm lẫn trong can thiệp xác định lại giới tính cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của cả một đời người.
Theo Dương Hải
Sức khỏe đời sống