1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dân số Việt Nam đạt gần 95 triệu người, đứng thứ 14 các nước đông dân nhất thế giới

(Dân trí) - Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết dân số nước ta hiện là 94,67 triệu người, đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ngày 18/9, tại hội nghị triển khai công tác dân số năm 2019, đại diện Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết năm 2018 dân số nước ta tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017, nâng tổng số dân lên 94,67 triệu người. Như vậy, Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới.

danso.jpg

 

Với mức gia tăng 1 triệu dân năm 2018, tính trung bình mỗi ngày dân số nước ta tăng khoảng 2.700 người mỗi ngày.

Trong đó, Hà Nội là địa phương có số trẻ sinh ra lớn nhất nước với khoảng 200.000 người trong năm 2018. Với mức sinh này, mỗi năm Hà Nội "sản xuất" ra số trẻ tương đương số dân một huyện lớn.

Hiện nay, dân số Hà Nội tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành nhưng tăng mạnh nhất là ở những quận có các khu đô thị mới. Đây cũng là có quy mô dân số lớn thứ 2 cả nước (sau TP HCM) với dân số chiếm 8% cả nước/

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết, hiện nay mức sinh thay thế tiếp tục duy trì trên phạm vi cả nước, tuy nhiên có sự khác biệt giữa các địa phương.

Theo đó, ở các vùng khó khăn, số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ là 2 - 3 con. Trái lại, ở nơi đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh xuống thấp dưới 1,8 con. Đáng chú ý, có tới 16 tỉnh có mức sinh thấp dưới 1,8 con và 4 tỉnh có mức sinh dưới 1,6 con.

Ông Tú cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên Bộ Y tế triển khai nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới với mục tiêu là tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đến nay, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được như: Mức giảm sinh bình quân; tăng tuổi thọ trung bình lên 73,6 tuổi và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức 114 bé trai/100 bé gái...

Chiều cùng ngày, Tổng cục DS-KHHGĐ và Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes Việt Nam đã sơ kết quá trình thực hiện chương trình "Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020".

Capture11.JPG

 

Tới nay, dự án đã đào tạo hơn 3.000 cán bộ cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực KHHGĐ, cung cấp mạng lưới hơn 70 giảng viên tỉnh và 230 giám sát viên tuyến huyện tại 18 tỉnh tham gia chương trình. Dự án đã hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao năng lực nhân viên y tế tuyến cơ sở tại 35 tỉnh; cung cấp dịch vụ tránh thai dài hạn cho 336.000 phụ nữ, ngăn ngừa được 650.000 ca mang mang thai ngoài ý muốn.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, hiện nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ.

Tú Anh