1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dân nhậu "truyền tai" uống thuốc tránh thai khử nồng độ cồn: Bác sĩ nói gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Các biện pháp thổi bay nồng độ cồn luôn được dân nhậu "bỏ túi", truyền tai nhau. Người uống nước chanh tươi, người dùng thuốc giải rượu, thậm chí có người dùng cả nước súc miệng, kẹo cao su.

"1001 cách" thổi bay nồng độ cồn của dân nhậu 

Kết thúc chầu nhậu, Huy (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội), lấy ra một viên thuốc tránh thai khẩn cấp khoe với chiến hữu là "mẹo khử nồng độ cồn vừa học được trên mạng".

Từ đợt nghỉ Tết đến nay, Huy đã thường xuyên tìm đủ các cách để khử nồng độ cồn trong hơi thở, khi chuỗi tiệc tùng cứ kéo dài theo "liên khúc": Tất niên - Ăn Tết - Gặp mặt đầu năm".

Dân nhậu truyền tai uống thuốc tránh thai khử nồng độ cồn: Bác sĩ nói gì? - 1

Dân nhậu áp dụng nhiều mẹo để thổi bay nồng độ cồn, thậm chí uống cả thuốc tránh thai (Ảnh: PV).

"Cũng không biết hiệu quả đến đâu, nhưng vì nghĩ rằng đều là thuốc "chính thống" sẽ không hại đến sức khỏe, giá thành lại rẻ nên tôi cứ thử làm theo vì… chẳng mất gì", anh Huy chia sẻ.

Làm trong lĩnh vực ngân hàng phải thường xuyên tiếp khách, Văn, 28 tuổi, sống tại TPHCM cho biết, bản thân cùng các đồng nghiệp luôn "dằn túi" cho mình các bí kíp để khử nồng độ cồn.

Người uống nước chanh tươi, người dùng thuốc giải rượu, thậm chí có người dùng cả nước súc miệng, kẹo cao su sau mỗi cuộc vui.

"Với những cuộc nhậu "tới bến", tôi luôn chủ động đi taxi. Tuy nhiên, đặc thù nghề nghiệp của chúng tôi thường hay phải gặp khách hàng bất chợt. Nhiều lúc chỉ nhấp đúng ngụm bia trong bữa trưa tiếp khách, nên chiều tan làm vẫn lo còn nồng độ cồn", anh Văn chia sẻ.

Chưa có loại thuốc nào "thổi bay" nồng độ cồn

Theo thông tin từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, chưa có một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có thể "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia.

Về việc dân mạng truyền tai nhau thuốc tránh thai khẩn cấp nói riêng hay một số loại thuốc nội tiết tố nói chung có khả năng chuyển hóa rượu và "đánh bay" nồng độ cồn trong hơi thở, chuyên gia khẳng định không có bằng chứng khoa học.

Cụ thể, trao đổi với PV Dân trí, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: "Không có mối liên quan giữa chuyển hóa cồn và thành phần của thuốc tránh thai khẩn cấp. Vấn đề này chưa có số liệu khoa học và cũng không có khuyến cáo nào về việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp để giải rượu".

Theo phân tích của BS Thành, bản chất thuốc tránh thai khẩn cấp là các chất nội tiết tố, đặc biệt là progesterone. Đây là loại hormone khi phụ nữ mang thai tiết ra để ngăn trứng không rụng, từ đó không thể tiếp tục thụ thai. Bản chất thuốc tránh thai khẩn cấp là cấp một lượng lớn nội tiết tố progesterone vào cơ thể để "bắt chước" quá trình này.

"Một vấn đề đặt ra là các thuốc nội tiết tố đường uống sẽ được chuyển hóa qua gan. Do đó, khi đã sử dụng rượu bia, vốn dĩ gan đã phải làm việc rất vất vả để chuyển hóa ethanol thì lại phải gánh thêm công việc chuyển hóa progesterone. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gan quá tải", BS Thành phân tích.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản cũng khẳng định, việc dùng thuốc tránh thai sau bữa nhậu để giảm nồng độ cồn không có cơ sở khoa học.

"Rượu khi uống vào gan sẽ là cơ quan chuyển hóa. Thuốc tránh thai là thuốc nội tiết tố, không liên quan gì đến cơ chế chuyển hóa rượu. Đàn ông lạm dụng nhiều thuốc tránh thai, tự bổ sung hormone nữ giới vào cơ thể, dùng nhiều lại gây... yếu", PGS Cường tếu táo.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), không có cái gì được gọi là thuốc giải rượu, tất cả chỉ là quảng cáo.

Trong y học hiện đại, với ngộ độc rượu thông thường ethanol không có thuốc giải độc nào cả. Việc điều trị hoàn toàn là hỗ trợ bệnh nhân giúp họ không tử vong, thiếu cái gì thì bù vào để giải quyết biến chứng. Rất may mắn là ethanol chuyển hóa nhanh nhưng hậu quả vẫn có nếu đến viện muộn. 

"Điều quan trọng là cố gắng uống ít, hạn chế uống, đã uống thì phải ăn. Bản thân ethanol gây hạ đường huyết, giảm tạo glucose ở gan. Uống rượu vào tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn, vì thế rất dễ gây hạ đường máu. Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong", BS Nguyên cho biết.