1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách loại bỏ nồng độ cồn trong hơi thở sau khi ăn thực phẩm lên men

Minh Nhật

(Dân trí) - Hàm lượng cồn trong các thực phẩm lên men, thực phẩm hấp bia, ướp rượu rất nhỏ, thường mất khoảng 20 - 30 phút để cơ thể chuyển hóa hết. Còn với nước súc miệng có hơi cồn thì phải làm như thế nào?

TS Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, ngoài rượu bia, chúng ta có thể vô tình đưa cồn vào cơ thể thông qua một số hoạt động hàng ngày.

Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia này, việc ăn các thực phẩm có lên men rượu như: sữa chua nếp cẩm, nước trái cây lên men; món ăn có sử dụng rượu khi chế biến như: cá hấp bia, thịt sốt rượu vang…; hay thậm chí sử dụng nước súc miệng có chứa cồn có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp.

Cách loại bỏ nồng độ cồn trong hơi thở sau khi ăn thực phẩm lên men - 1

Một số loại nước quả lên men rượu sẽ có chứa một lượng nhỏ cồn (Ảnh: Getty).

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là sau khi sử dụng các sản phẩm chứa cồn không phải bia rượu này, sau bao lâu chất cồn sẽ được chuyển hóa hết và "biến mất" trong máu và hơi thở.

Theo TS Minh, khi ethanol (cồn) được hấp thu vào cơ thể, chỉ có khoảng 5 - 10% được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; 90 - 95% lượng ethanol còn lại được chuyển đến gan để xử lý.

Cụ thể tại gan, ethanol được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme ADH. Các enzyme ADH biến đổi ethanol tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây độc lên hầu hết các hệ cơ quan.

Sau đó, gan sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ enzyme ALDH và glutathione. Acetate là chất ít độc hơn và được các tế bào trong cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2.

Vì hàm lượng ethanol trong các thực phẩm kể trên là rất nhỏ, nên chỉ mất khoảng 20 - 30 phút là cơ thể có thể chuyển hóa hết.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, các tài xế sau khi sử dụng các thực phẩm có chứa lượng cồn nhỏ như kể trên, nên súc miệng kỹ và chờ khoảng 30 phút trước khi lái xe, để đảm bảo chắc chắn trong hơi thở không có cồn.

Đối với nước súc miệng có chứa cồn, theo TS Minh chỉ cần đơn giản là sử dụng nước lọc súc miệng lại sẽ không còn cồn trong hơi thở.

Cách loại bỏ nồng độ cồn trong hơi thở sau khi ăn thực phẩm lên men - 2

Với trường hợp sau khi uống một cốc bia (khoảng 350ml) khoảng 15 phút là kết quả đọc nồng độ cồn đã có thể phát hiện ra cồn trong hơi thở (Ảnh: Hoàng Thuận).

Với trường hợp sử dụng bia rượu, trung bình cơ thể sẽ mất khoảng 12-24 tiếng để hoàn toàn chuyển hóa và đào thải cồn khỏi cơ thể. Như vậy hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng sau một đêm nhậu "tới bến", khi ngủ dậy và đã tỉnh rượu nhưng bạn sẽ vẫn phát hiện ra cồn trong hơi thở.

Với trường hợp sau khi uống một cốc bia (khoảng 350ml) khoảng 15 phút là kết quả đọc nồng độ cồn đã có thể phát hiện ra cồn trong hơi thở.

"Một cốc bia có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu (BAC) lên 0,02% và bạn cần không uống thêm trong tối thiểu một tiếng để mức cồn trong hơi thở về gần số 0. Tuy nhiên, để hoàn toàn loại bỏ cồn khỏi cơ thể bạn sẽ cần 12-24 tiếng", TS Minh phân tích.

Theo chuyên gia này, với quy định mới, chỉ cần phát hiện ra cồn trong hơi thở (dù chưa tới 0,25 mg/L) bạn đã bị phạt khi tham gia giao thông. Nên dù chỉ uống một cốc bia trong vòng một tiếng bạn vẫn có khả năng bị phạt. Do đó, nên tránh uống bia trong khoảng 5 - 6 tiếng trước khi lái xe, dù chỉ là một cốc.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu uống rượu bia quá nhiều và uống trong thời gian dài có thể gây ra các bệnh: gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan do rượu và thậm chí là ung thư gan.

Theo các chuyên gia, lượng cồn đi vào cơ thể ở mức an toàn là một đơn vị/ngày. Trong đó một đơn vị = 25ml thức uống chứa cồn 40 độ, hoặc 50ml thức uống chứa cồn 20 độ. Nếu vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - đây không chỉ là một chất độc hại đối với gan mà còn làm tổn thương đến cả hệ thần kinh, thị giác, tiêu hóa…