1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dân di cư vào vùng dịch, nguy cơ sốt rét bùng phát

(Dân trí) - Tình trạng người dân di cư đến khu vực vùng sâu, vùng xa nơi bệnh sốt rét lưu hành gây ra quan ngại về nguy cơ sốt rét bùng phát trở lại. Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức phòng chống bệnh của người dân còn thấp, y tế cơ sở yếu kém.

Vấn đề trên đã được các chuyên gia y tế đặt ra trong buổi hội thảo: “Di biến động dân liên quan đến bệnh sốt rét” tổ chức ngày 10/11 tại TPHCM. Theo thông tin từ hội thảo, sốt rét là bệnh do ký sinh trùng gây ra, muỗi anophen là thủ phạm truyền bệnh từ người bị sốt rét sang người lành. Bệnh nhân ở thể nặng (sốt rét ác tính) nếu không được cứu chữa kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.

Dân di cư vào vùng dịch, nguy cơ sốt rét bùng phát - 1

Sốt rét đang có nguy cơ bùng phát trở lại, đe dọa sức khỏe cộng đồng

Ký sinh trùng sốt rét khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá vỡ hàng loạt hồng cầu, tiêu diệt các tế bào, gây ra cơn sốt cho bệnh nhân. Tình trạng sốt có thể theo chu kỳ một ngày một cơn hay cách nhật, cách 3 ngày tùy theo tính chất của ký sinh trùng. Muỗi anophen hút máu người bệnh sẽ hút theo cả ký sinh trùng vào cơ thể chúng và phát triển nhân lên gấp nhiều lần.

Khi con muỗi mang mầm bệnh đốt người lành sẽ truyền ký sinh trùng gây bệnh. Lúc này, sự lây lan sẽ diễn ra rất rất nhanh, trong một thời gian ngắn có thể hàng trăm người sẽ cùng mắc bệnh sốt rét. Người mắc bệnh sốt rét thường bị thiếu máu dạng cấp, da xanh, môi thâm, mệt mỏi, gầy yếu, gan to, lách to; trẻ em bị mắc bệnh sốt rét cơ thể còi cọc chậm lớn, kém thông minh; phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ gây sảy thai, đẻ non, nguy cơ tai biến rất cao khi sinh nở.

PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM cho hay: Sốt rét là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 gây bệnh cho con người trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, 97 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này. Tại Việt Nam, bệnh sốt rét còn lưu hành ở nhiều tỉnh thuộc khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, các tỉnh Miền Tây. Khoảng 11,7 triệu dân dân đang sống trong vùng có nguy cơ sốt rét.

Số liệu thống kê của ngành y tế chỉ ra, trong năm 2014, cả nước đã ghi nhận 27.868 ca bệnh sốt rét lâm sàng và sốt rét ký sinh trùng. Hiện tỉnh Bình Phước đang là một điểm nóng của loại bệnh này, thống kê của địa phương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có tới 1.395 ca sốt rét lâm sàng (tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2014) sốt rét ký sinh trùng là 1.377 ca (tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2014). Bệnh đang tập trung chủ yếu tại huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng. Tình trạng sốt rét kháng thuốc artemisinin đã xuất hiện tại Bình Phước từ năm 2009 đến nay.

Một kết quả nghiên cứu trên 2.005 người dân di cư tại 6 xã thuộc 3 huyện do Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM thực hiện hồi tháng 8/2015 tại Bình Phước đã chỉ ra mối quan hệ giữa tình trạng di dân và sự gia tăng sốt rét ở địa phương này. Số người được nghiên cứu đến từ 62 tỉnh thành trên cả nước và người Campuchia, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Có tới 45,7% người dân di cư được hỏi cho biết bản thân hoặc người thân trong gia đình đã bị mắc bệnh sốt rét.

Tẩm mùng hóa chất là giải pháp hiệu quả để xua đuổi muỗi nhưng không gây hại cho con người
Tẩm mùng hóa chất là giải pháp hiệu quả để xua đuổi muỗi nhưng không gây hại cho con người

Nguyên nhân khiến các đối tượng nói trên bị sốt rét tấn công là do họ đi đến những khu vực vùng sâu, vùng xa để khai hoang, trồng cây nông nghiệp, khai thác lâm, thổ sản… ngủ rừng, ngủ rẫy qua đêm nhưng không có mùng và các trang bị bảo vệ khỏi nguy cơ muỗi tấn công.

TS Phùng Đức Truyền, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM nhận định: “Tình trạng dân di cư hiện không chỉ diễn ra ở Bình Phước mà còn diễn ra trên khắp cả nước. Với các nhóm dân di cư vào vùng sốt rét đang lưu hành nhưng thiếu các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh hoặc việc phòng chống không đầy đủ, không đúng cách đã tạo nên sự đa dạng về dịch tễ sốt rét, gây tình trạng sốt rét dai dẳng, phức tạp, sốt rét kháng thuốc khó kiểm soát. Người dân di cư khi trở về quê, mang theo mầm bệnh sẽ tạo điều kiện cho sốt rét quay trở lại địa phương.”

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế còn chỉ ra, hiện nay tuyến y tế cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng còn thiếu nhân sự, thiếu trang thiết bị, yếu chuyên môn nên gây không ít khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị và tuyên truyền phòng chống dịch cho nhân dân.

Đứng trước nguy cơ sốt rét bùng phát trở lại, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM khuyến cáo người dân cần thực hiện tẩm hóa chất xua đuổi muỗi vào màn, ngủ màn thường xuyên; hun khói hoặc đốt hương xua đuổi muỗi vào buổi tối; phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ; phun thuốc diệt muỗi; mặc quần áo dài, mang vớ (tất) khi vào rừng làm nương rẫy để hạn chế bị muỗi đốt. Trường hợp bị sốt, nghi do sốt rét cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời.

Vân Sơn